Chưa bao giờ các từ “biệt phủ”, biệt thự “khủng” lại được sử dụng nhiều như thời gian qua và có thể còn trong thời gian tới, để nói về tài sản nhà đất của không ít cán bộ, mà phần lớn theo hàm ý nghi ngờ về nguồn gốc tài sản.
Khống khó để lấy ví dụ như: “biệt phủ” của nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, nhà ở của ông Nguyễn Xuân Anh, hay gần đây nhất là căn biệt thự của Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng.
Ảnh minh hoạ: Dân trí |
Dư luận băn khoăn là bằng cách nào những cán bộ đó có được tài sản “khủng” như vậy, trong khi họ đều là công chức nhà nước với mức lương khiêm tốn! Nếu thu nhập thêm có được bằng nghề “tay trái” một cách hợp pháp thì liệu đã được thể hiện trong các bản kê khai tài sản hay chưa, thực hiện nghĩa vụ thuế thế nào?
Người dân bức xúc, bởi không ít người giải thích tài sản lớn có được nhờ làm những công việc mà người dân làm toàn thời gian cật lực quanh năm mới đủ ăn. Vẫn biết cán bộ công chức có những khoản thu nhập thêm ngoài lương được coi là chính đáng, nhưng khó tưởng tượng nổi với nguồn thu đó có thể sở hữu được những biệt thự, “biệt phủ” sang trọng.
Thời gian qua, dư luận tiếp tục “nóng” với những dòng tít trên báo chí về tình trạng “bán rẻ đất công” gây thất thu cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý khi có hành vi vi phạm trong quản lý đất đai để những khu đất vàng, công sản giá trị lớn dễ dàng rơi vào tay một số người; tiếp tay cho tội phạm. Rồi có vị đương chức ký những quyết định chưa đúng quy định pháp luật “ưu ái” công ty của người thân… Tất cả những vụ việc đó, thật khó nói rằng cán bộ chỉ vì thiếu trình độ, hiểu biết dẫn đến vi phạm chứ không có bắt tay tư lợi hay được chia sẻ lợi ích với giá trị có thể lên đến rất nhiều con số.
Ở nhiều nơi, đập vào mắt người dân không chỉ là hình ảnh khối tài sản hiện hữu như nhà đẹp, nội thất đắt tiền, cây cảnh quý hiếm mà còn qua cả cách sống xa hoa, hưởng thụ của vợ/chồng, con cái thuộc không ít gia đình cán bộ công chức. Người dân cần sự giải trình thỏa đáng từ những người mà họ trao quyền, đóng thuế trả lương, rằng tài sản đó có được từ đâu? Một yêu cầu tưởng chừng như lẽ đương nhiên lại đang gặp khó, vì ở ta, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản là vấn đề rất phức tạp do nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả khoảng trống về thể chế.
Đơn cử như quy định về xử lý tài sản không giải trình được hợp lý nguồn gốc cũng đang khiến cơ quan soạn thảo dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) “đau đầu”.
Đề xuất đánh thuế đến 45% giá trị tài sản phần nào thể hiện thái độ của Nhà nước trong xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng – vốn từ trước tới nay không thể đụng đến, dù chủ nhân của khối tài sản đó có bị xử lý về mặt Đảng hay chính quyền. Hơn nữa, theo cơ quan trình dự án luật thì về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng hay từ hành vi phạm tội mà có, để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”.
Nhưng ý kiến khác lại đặt vấn đề đánh thuế dễ gây hiểu là “hợp pháp hóa” 55% giá trị tài sản còn lại và tại sao không mạnh tay hơn? Chắc chắn đây sẽ là một trong những nội dung làm “nóng” nghị trường tại Kỳ họp thứ 5 tới đây. Bởi, cán bộ giàu bất thường đã không còn là câu chuyện râm ran mà đã trở thành vấn đề gây bức xúc, làm giảm niềm tin của người dân đối với những người đang thực thi công vụ.
“Cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai tài sản rất nghèo”, do đó, muốn xử lý tài sản bất minh thì điều quan trọng trước tiên là phải khiến những biệt thự, biệt phủ, đất vàng… không rõ nguồn gốc của cán bộ đang còn ẩn đâu đó nổi lên. Khi đó, người dân thấy rõ hơn về cán bộ của mình, tổ chức chắc chắn cũng không dễ gì bỏ qua, nhất là cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng đẩy mạnh với tinh thần không có vùng cấm, không còn hạ cánh an toàn./.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV