Trò chuyện với VietNamNet về đề án thành lập “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, một trong những nội dung nổi bật của đề án là về tổ chức bộ máy.
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Phạm Hải |
Giao việc phải kèm giao quyền
Theo đó, tỉnh đề xuất phương án mô hình tổ chức bộ máy hành chính của đặc khu theo hướng thiết chế Trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng Khu hành chính, không phải là một cấp chính quyền địa phương.
Mô hình này không tổ chức HĐND và UBND. Đặc khu được chia thành các khu hành chính (chuyển từ 9 xã, thị trấn sang thành 9 khu hành chính).
Cùng với đó, thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy, đồng thời là Trưởng đặc khu. Bí thư cấp ủy cơ sở, đồng thời là trưởng khu hành chính.
Hợp nhất các cơ quan thuộc huyện ủy, cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Phú Quốc, các phòng, ban chuyên môn thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc thành 8 ban chuyên môn trực thuộc Trưởng đặc khu.
Hợp nhất MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội thành cơ quan có tên gọi là MTTQ và các đoàn thể. Các đơn vị sự nghiệp có Trung tâm dịch vụ hành chính công và Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Vì sao tỉnh chọn mô hình nhất thể hóa áp dụng cho đặc khu Phú Quốc, thưa ông?
Về nguyên tắc, thành lập đặc khu Phú Quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo, định hướng chiến lược của Đảng, đảm bảo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp Hiến pháp; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính trị hiện nay; đồng thời có tính đến yếu tố đặc thù của đặc khu Phú Quốc.
Vì vậy, trong đề án của tỉnh đề xuất nhất thể hóa một số chức danh; nhất thể hóa, thu gọn đầu mối bằng cách hợp nhất một số cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội... có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương đồng để đảm bảo mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Các đề xuất này phù hợp với chủ trương tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo theo mô hình đặc khu Phú Quốc; phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy như Nghị quyết TƯ 6 khóa 12 vừa ban hành.
Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và đáp ứng kịp thời các yêu cầu xử lý nhanh công việc, nhất thiết bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả, giảm tối thiểu tầng nấc trung gian.
Đặc biệt là người đứng đầu đặc khu, nếu bí thư đồng thời là Trưởng đặc khu sẽ tập trung đầu mối chỉ đạo, điều hành một cách toàn diện, trực tiếp; có đủ thẩm quyền giải quyết kịp thời, nhanh chóng công việc của đặc khu theo nguyên tắc giao việc phải kèm theo giao quyền.
Mặt khác, từ năm 2009, khi có chủ trương điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh Kiên Giang đã thí điểm 4/15 đơn vị, trong đó có huyện Phú Quốc. Qua tổng kết rút kinh nghiệm, việc này đã đạt được hiệu quả tích cực.
Đi kèm cơ chế miễn nhiệm, cách chức Trưởng đặc khu
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại, nếu tổ chức theo mô hình này, mọi quyền lực tập trung vào 1 người dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực. Vậy làm sao, cơ chế nào để kiểm soát quyền lực khi trao nhiều đặc quyền cho Trưởng đặc khu như vậy?
Để tránh lạm quyền của Bí thư kiêm Trưởng đặc khu Phú Quốc, cơ chế kiểm soát, giám sát được xác định trong dự thảo luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt cũng như trong đề án có đề cập.
Đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và các cơ chế kiểm soát quyền lực theo quy định của Đảng của cấp ủy đảng cấp trên đối với cấp ủy đặc khu Phú Quốc và Bí thư kiêm Trưởng đặc khu Phú Quốc.
Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh thực hiện hoạt động giám sát, chất vấn theo quy định của pháp luật. Theo đó, HĐND tỉnh có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng miễn nhiệm, cách chức Trưởng đặc khu và yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Trưởng đặc khu.
Trưởng đặc khu Phú Quốc và trưởng khu hành chính còn chịu sự giám sát trực tiếp của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở đặc khu.
Sân bay Phú Quốc đã được đầu tư trước khi trở thành đặc khu |
Ngoài các cơ chế nêu trên, Trưởng đặc khu còn chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh đối với các lĩnh vực quản lý của tỉnh không phân quyền, phân cấp hoặc ủy quyền cho Trưởng đặc khu.
Trưởng đặc khu Phú Quốc có trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng, các bộ, ngành về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Thủ tướng và các bộ, ngành giao và về toàn bộ hoạt động của đặc khu.
Với cơ chế kiểm tra, giám sát như trên, cơ bản đảm bảo để Bí thư kiêm Trưởng đặc khu Phú Quốc thực hiện nhiệm vụ đúng với quy định của Đảng và pháp luật.
Mô hình trưởng đặc khu sẽ giúp bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt. Điều này cũng có nghĩa bộ máy hiện nay sẽ được sắp xếp lại, cắt giảm. Vậy tỉnh đã lên phương án sắp xếp bộ máy và nhân sự như thế nào khi thực hiện đề án?
Đây là vấn đề lớn, quan trọng, có tác động đến tư tưởng, đời sống, việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp lại. Đề án của Kiên Giang đã có đánh giá tác động về việc này.
Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án riêng và thành lập ban chỉ đạo để đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện Phú Quốc, dựa trên trình độ năng lực và vị trí việc làm khi thành lập đặc khu để bố trí vào từng vị trí cho phù hợp.
Đồng thời có kế hoạch đào tạo chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu công việc; chuẩn bị đội ngũ cán bộ tăng cường cho đặc khu Phú Quốc. Đối với những người không thể đáp ứng vị trí việc làm và không thể chuẩn hóa được thì thực hiện chính sách tinh giản theo cơ chế phù hợp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ xây dựng phương án nhân sự cho đặc khu Phú Quốc. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, khó khăn. Dự kiến trong tháng 12 này, Tỉnh ủy sẽ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về việc này.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet