Ngày 20/2, sắc lệnh của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev về việc thay đổi chữ viết trong ngôn ngữ Kazakhstan theo hệ Latin được công bố. Sự thay đổi này diễn ra do bảng chữ cái cải tiến được đưa ra ngày 27/10/2017 vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ các nhà ngôn ngữ học và người dân nước này, RFE/RL ngày 20/2 đưa tin.
Ảnh minh họa: Yk-news |
Sắc lệnh vào tháng 10 năm ngoái tuyên bố Kazakhstan sẽ bãi bỏ việc sử dụng hệ chữ Kirin - vốn được sử dụng nhiều trong cộng đồng ngữ hệ Slav, chủ yếu là trong tiếng Nga, để chuyển qua hệ chữ Latin. Đây là nỗ lực rõ ràng cho thấy Kazakhstan dần tách ra khỏi sự ảnh hưởng của Nga. Sắc lệnh này cũng quy định hệ chữ cái mới sẽ được áp dụng vào năm 2025.
Nhưng bảng chữ cái mới vừa được công bố đã vấp phải phản ứng từ các nhà ngôn ngữ học. Nhiều người phàn nàn các dấu nháy (') được thêm vào một số chữ khiến chúng trở nên phức tạp, bị tách thành bốn hoặc năm phần, nhiều người không thể đọc. Vì vậy, các nhà chức trách nước này phải đưa ra sự thay đổi lần hai chỉ sau bốn tháng.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Dauren Abaev nói với giới truyền thông trong nước rằng Tổng thống đồng ý hủy bỏ bảng chữ cái công bố tháng 10 năm ngoái theo khuyến nghị của các chuyên gia IT và nhiều nhà nghiên cứu khác.
Ông Quat Borashev, Chủ tịch Ủy ban Ngôn ngữ của Bộ Văn hóa, khẳng định phiên bản mới sẽ "dễ dàng trong việc viết và đọc bằng tiếng Kazakh hơn".
Trước đó, Tổng thống Kazakhstan đã nói về việc chuyển đổi chữ viết sang hệ tiếng Latin trong nhiều năm. Nỗ lực này đã được cụ thể hóa vào tháng 4/2017, khi ông yêu cầu các nhà chức trách đưa ra một bảng chữ cái mới cho tiếng Kazakh vào cuối năm.
Kazakhstan sử dụng hệ chữ Kirin gần 80 năm qua (từ năm 1940). Trong số nước thuộc Liên Xô cũ, Azerbaijan, Turkmenistan và Uzbekistan đã bỏ hệ Kirin để chuyển sang các bảng chữ cái dựa trên tiếng Latin trong những năm đầu sau khi Liên Xô tan rã.
Tác giả: Dương Tâm
Nguồn tin: Báo VnExpress