Nhân ái

Bị nhiễm uốn ván, tính mạng một nữ sinh lớp 9 nguy kịch

Hơn nửa tháng nằm viện vì nhiễm uốn ván nặng, sinh mạng cô học trò nghèo vẫn trong tình trạng nguy kịch. Cùng đường, gia đình xin đưa em về lo hậu sự, các bác sĩ thương xót, cố gắng níu giữ nhưng chi phí điều trị quá tốn kém.

Sự sống mong manh sau vết thương nhỏ

Bên giường bệnh, chị Điểu Thị Giang (41 tuổi, đồng bào Stiêng, ngụ tại Bù Đăng, Bình Phước) sụt sùi gạt nước mắt gọi con bằng ngôn ngữ của đồng bào mình. Đáp lại những tiếng gọi tha thiết là ánh mắt vô hồn của con gái. Khoảng 3 tuần trước tai họa bất ngờ ập đến với Điểu Thị Nguyệt (16 tuổi – hiện đang học lớp 9). Trên đường đi học về, em không may té xe, mu bàn chân trái bị vết thương hở, chảy máu.

Không được chích ngừa uốn ván khiến em Điểu Nguyệt nhiễm bệnh rất nặng

Thấy vết thương không đến mức nguy hiểm, gia đình chỉ sơ cứu rồi chăm sóc tại nhà, tuy nhiên vết thương không liền da mà có biểu hiện làm mủ, sưng tấy. “Mình nghĩ chỉ vài ngày con bé sẽ khỏi nên không đưa đến bác sĩ, không ngờ 5 ngày sau, nó bị co cứng tay chân, miệng cũng cứng... khi đến bệnh viện, bác sĩ nói con tôi bị uốn ván rồi chuyển thẳng lên TPHCM”.

BS Nguyễn Thị Ngàn, khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới – người trực tiếp điều trị của Điểu Nguyệt cho hay: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liên tục lên cơn gồng giật, co cứng chân tay, tím tái. Sau khi xác định đây là trường hợp nhiễm uốn ván thể nặng, chúng tôi đã điều trị tích cực. Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng với thuốc an thần, hiện đang phải thở máy, dùng thuốc giãn cơ, điều trị kháng sinh mạnh”.

Bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa, dự kiến thời gian điều trị còn kéo dài

BS Ngàn chia sẻ: “Bệnh của Điểu Nguyệt khá nặng nhưng tiên lượng điều trị tương đối khả quan. Hiện chi phí điều trị của bệnh nhân mỗi ngày tốn khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn không có khả năng chi trả. Gia đình đang xin đưa bệnh nhân về, chỉ cần rút ống thở cô bé sẽ chết. Chúng tôi đang cố gắng động viên người thân tiếp tục cứu chữa nhưng thời gian điều trị dự kiến còn kéo dài chẳng biết họ sẽ cầm cự được đến khi nào”.

“Thương nó lắm nhưng hết tiền rồi”

Nghe bác sĩ thông báo về tình trạng bệnh của con cũng như thời gian nằm viện dự kiến và chi phí điều trị, anh Điểu Êm (39 tuổi) ngậm ngùi cho biết: “Gia đình có mấy sào rẫy trồng điều chung với đứa em gái nhưng năm nay điều mất mùa lại mất giá nên thu chỉ được ít tiền. Mình bán điều xong đã mang trả hết các khoản vay mua phân bón và tiền ăn uống lâu nay của cả nhà".

Gia đình khốn khó khiến sinh mạng của cô bé đang lâm vào nguy nan

Anh Êm cho biết thêm: "Mình đã mang sổ đất đi cầm rồi, mấy chục triệu đều đóng viện phí hết, giờ đang nhờ người nhà đi mượn nhưng chưa được. Chừng nào có tiền mình sẽ đóng viện phí còn không mượn được thì phải đưa con về thôi thương nó lắm nhưng hết tiền rồi”.

Theo lời kể của chị Điểu Thị Giang vợ chồng chị có với nhau 4 người con, Điểu Nguyệt là con thứ 3 hiện đang học lớp 9. “Mình và chồng đều không biết chữ, thấy con bé học giỏi nên mới cố gắng cho đến trường. Để có tiền cho con đi học, mỗi mùa rẫy mình đều phải đi mượn trước (1 triệu khi trả thành 1,2 triệu) đóng tiền trường, đến mùa thu điều thì bán rồi trả lại”.

Người mẹ bất lực nhìn con trong cảnh thập tử nhất sinh

Điều kiện kinh tế khó khăn nên cả gia đình chị Điểu Giang không mua nổi thẻ bảo hiểm y tế. Không được chích ngừa uốn ván là nguyên nhân khiến Điểu Nguyệt nhiễm bệnh. Từ khi con gái nhập viện, vợ chồng chị Giang phải thay nhau chăm sóc nên không có nguồn thu nhập nào. Để bám trụ được ở bệnh viện, họ đang phải sống nhờ vào những suất cơm từ thiện. Trong cảnh cùng đường, họ đau đớn nghĩ đến cảnh sẽ vĩnh viễn mất con.

Theo xác nhận của ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, hộ gia đình ông Điểu Êm là đồng bào dân tộc hiện đang cư ngụ tại địa phương. Từ ngày con mắc bệnh đến nay, gia đình lâm vào cảnh rất khó khăn, dù đã cầm cố đất rẫy đóng viện phí nhưng cháu vẫn chưa qua được nguy kịch. Địa phương rất mong cộng đồng hỗ trợ để cháu Điểu Thị Nguyệt có điều kiện chữa trị sớm vượt qua bệnh tật.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2517: Anh Điểu Êm (bố bệnh nhân Điểu Thị Nguyệt)

Địa chỉ: khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM

Điện thoại: 09730644638

Hoặc chị Điểu Thị Giang (mẹ bệnh nhân)

Địa chỉ: Sóc 28, thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Tác giả: Vân Sơn

Nguồn: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP