Pháp luật

Bị cáo Phạm Công Danh khai vay 4.700 tỷ của BIDV do bị ép tăng vốn

Ngày 12/1, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm với phần thẩm vấn các bị cáo xung quanh khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV.

Bị cáo Phạm Công Danh đổ lỗi do sức ép tăng vốn buộc mình phải làm sai. Ảnh: Hoàng Hải

Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh lý giải việc thành lập 12 công ty để vay 4.700 tỷ đồng của BIDV là do sức ép từ phía Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng vốn điều lệ. Ngân hàng Nhà nước phía Nam đã tổ chức cuộc họp có lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An cùng nhiều đại diện ngân hàng khác. Tại đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An yêu cầu VNCB bằng cách nào đó phải tăng vốn ngân hàng.

“Lúc đó tôi đã nhiều lần trình bày tình hình ngân hàng là thanh khoản kém, đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An vẫn yêu cầu phải tăng vốn bằng cách nào đó thì tăng” – bị cáo Danh khai.

Bị cáo Phan Thành Mai cũng xác nhận lời khai của bị cáo Phạm Công Danh về việc bị thúc ép tăng vốn điều lệ. “Trong buổi họp với Ngân hàng Nhà nước, anh Danh có trình bày khó khăn, xin giãn tiến trình tăng vốn điều lệ dần dần…” – Phan Thành Mai khai.

Theo lời bị cáo Phan Thành Mai, thời điểm đó, Phạm Công Danh đang ở trong thế “kẹt”, tăng vốn cũng chết mà không tăng thì ngân hàng cũng phá sản vì không đáp ứng tăng trưởng tín dụng, không có lợi nhuận. Vì thế, ông Danh đã chọn nhiều phương án để có tiền.

Bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận việc lập 12 công ty để vay tiền là sai, nhưng điều này hoàn toàn do bối cảnh thời điểm đó. “Nếu không bị Ngân hàng Nhà nước thúc ép thì chúng tôi không làm sai trái như thế này. Đây là do bối cảnh chứ hoàn toàn chúng tôi không muốn làm điều này. Mong Hội đồng xét xử tạo điều kiện để chúng tôi làm rõ bối cảnh” – bị cáo Danh khai.

Theo cáo trạng, khi thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên là Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB), do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên vào khoảng tháng 9/2013, Phạm Công Danh đến BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng – Phó tổng giám đốc. Tại đây Danh đặt vấn đề về việc Danh giới thiệu sang BIDV các khách hàng DN vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ bằng cách dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV.

Sau đó, Danh chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào trong số các công ty do Danh thành lập; lập khống hồ sơ vay vốn… để nộp cho BIDV. Tài sản đảm bảo là 6 lô đất sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng; đất tại số 209 Trường Chinh, TP. Đà Nẵng và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay và được BIDV chấp thuận giải ngân cho vay với số tiền 4.700 tỷ đồng.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phạm Công Danh khai số tiền 4.700 tỷ đồng vay từ BIDV, Danh dùng chủ yếu vào mục đích tăng vốn điều lệ VNCB theo đề án Ngân hàng Nhà nước duyệt từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, trả nợ cũ, chăm sóc khách hàng và trả lãi BIDV. Người thực hiện trực tiếp là Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương.

Việc bị cáo Danh sử dụng tiền cho mục đích tăng vốn điều lệ là do yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Việc này không đúng với mục đích vay vốn tại hồ sơ vay BIDV nhưng Danh không nói cho BIDV biết về mục đích sử dụng vốn vay là để tăng vốn điều lệ. Việc vay vốn BIDV là vay theo đề án gói 4 nhà. Chương trình gói 4 nhà là có thật, được Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo, chỉ có 8 ngân hàng tham gia, trong đó có VNCB và BIDV.

Cáo trạng xác định, hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty của mình vay vốn đã gây thiệt hại gần 2.551 tỷ đồng cho VNCB.

Không đủ căn cứ để thu hồi hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại của VNCB

Tại phiên xét xử ngày 12/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã hỏi lại đại diện Viện kiểm sát (VKS) về nội dung VKSND tối cao đề nghị tòa làm rõ tại trang 108 của bản cáo trạng. Theo đó, kết luận giám định xác định thiệt hại thuộc về VNCB nên trong quá trình điều tra VKSND tối cao đã có yêu cầu về việc thu hồi số tiền hơn 6.126 tỉ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả, nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện.

Do đó, VKSND tối cao đề nghị HĐXX và đại diện VKS tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi do hành vi làm trái của các bị can và người có liên quan gây ra, cùng trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tại tòa, điều tra viên phụ trách vụ án là bà Tăng Thị Nga (cán bộ PC46) cho biết các khoản tiền gửi tại các ngân hàng đã tất toán. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định và thấy việc gửi tiền và thu tiền vay của 3 ngân hàng là không sai, đúng quy định nên không có căn cứ thu hồi.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP