Bé sơ sinh vừa chào đời đã mắc bệnh lậu mắt do lây từ bố mẹ. Ảnh minh họa |
Ngày 23/10, VNExpress dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Da liễu Trung Ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi V.T.Y. (3 ngày tuổi, quê tỉnh Thái Bình) bị bệnh lậu mắt.
Người nhà bệnh nhi cho hay, cháu Y. là con đầu, chào đời bằng phương pháp sinh thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, 3 ngày sau khi sinh, bé Y. có biểu hiện đỏ mắt, xuất tiết, chảy nhiều dịch mủ màu vàng, trên bờ mi dịch khô đóng vảy tiết.
Gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương thăm khám thì được chẩn đoán theo dõi lậu mắt. Gia đình tiếp tục đưa lên Bệnh viện Da liễu Trung Ương để thăm khám. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh lậu mắt. Các bác sĩ đã dùng phác đồ điều trị lậu ở trẻ em kèm theo rửa vệ sinh, tra thuốc mắt thường xuyên.
Trao đổi với PNVN, bác sĩ Hà Tuấn Minh - Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến cho biết, trẻ sơ sinh bị bệnh lậu mắt thường được sinh thường. Bệnh được xác định là lây qua đường tình dục, cũng có thể lây qua đường tiếp xúc trực tiếp vi khuẩn trong dịch mủ.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung Ương, tỷ lệ bệnh nhi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) chiếm từ 0,3-0,5% mỗi năm. Trong đó, riêng bệnh lậu mắt, mỗi năm có khoảng 5-10 ca trẻ mắc.
Theo bác sĩ Minh, bệnh lậu mắt ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu rất điển hình, thường xuất hiện ngay sau vài ngày chào đời. Bị lậu mắt, trong 1-2 ngày đầu sau sinh, trẻ sưng nề một hoặc hai bên mắt xuất tiết, chảy mủ nhiều. Tại bệnh viện, trẻ sẽ được làm sạch mủ, rửa mắt thường xuyên, dùng kháng sinh, chỉ khoảng 4-5 ngày điều trị là khỏi.
Tuy nhiên, nếu không được chữa kịp thời, trẻ có nguy cơ bị viêm, loét giác mạc gây mù vĩnh viễn Đề phòng lậu mắt ở trẻ sơ sinh, bác sĩ khuyến cáo, cách tốt nhất là chị em phụ nữ cần sàng lọc trước khi có thai. Muốn biết trẻ sơ sinh có mắc bệnh lậu mắt hay không, người lớn có thể nhỏ vài giọt dung dịch nitrat bạc 1% vào mắt trẻ ngay sau khi chào đời.
Tác giả: Nguyệt Hà (T/h)
Nguồn tin: doisongplus.vn