|
Bé gái V.T.T, 2 tháng tuổi, dân tộc Mông (ở Văn Chấn, Yên Bái) xuất hiện dấu hiệu ban đầu với ban sẩn đỏ rải rác ở vùng mông. Sau 5-6 ngày, các ban này tiến triển thành các đám, mảng, bọng nước, sau đó lan ra hai chân, hai tay và vùng cổ.
Bệnh nhi được gia đình đưa đi khám tại một phòng khám tư, được chẩn đoán viêm da, bôi thuốc không rõ loại và tắm nước chè xanh trong 2 ngày nhưng tình trạng không cải thiện.
Tình trạng của bệnh nhi tiếp tục diễn biến nặng hơn, các bọng nước vỡ, chảy dịch vàng lẫn máu. Sau 5 ngày, trẻ xuất hiện sốt cao 38°C, quấy khóc, gia đình mới đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám.
Kết quả thăm khám và xét nghiệm tại tuyến cơ sở cho thấy trẻ mắc giang mai kèm thiếu máu nặng. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để điều trị.
Bệnh nhi 2 tháng tuổi bị giang mai bẩm sinh (ảnh T.T). |
Theo BSCKII Nguyễn Mạnh Trường, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu nghiêm trọng, sốt cao kèm với các tổn thương ngoài da dạng bọng nước ở tay chân và thân mình. Kết quả thăm khám và xét nghiệm dịch não tủy đã loại trừ biến chứng giang mai thần kinh.
Bệnh nhi được chẩn đoán mắc giang mai bẩm sinh, kèm biểu hiện tổn thương toàn thân, thiếu máu nặng và suy dinh dưỡng.
BSCKII Nguyễn Mạnh Trường cho biết bé T sinh đủ tháng nhưng chỉ nặng 1,6kg, một dấu hiệu rõ ràng của suy dinh dưỡng bào thai, có thể do ảnh hưởng của bệnh giang mai bẩm sinh. Bệnh giang mai bẩm sinh rất hay gây thai lưu, tử vong hoặc sinh non. Vì vậy, mặc dù suy dinh dưỡng nhưng bé T cũng khá may mắn vì không gặp phải những biến chứng trên.
“Đáng lưu ý, cả bố và mẹ của bé T đều được chẩn đoán mắc giang mai nhưng không hề hay biết. Khi biết con và 2 vợ chồng mắc giang mai, bố mẹ bé đã rất bất ngờ. Chúng tôi đã phải điều trị cho cả bố và mẹ của bé”, bác sĩ Mạnh Trường thông tin.
Sự nguy hiểm của giang mai bẩm sinh
Giang mai bẩm sinh không chỉ khiến trẻ suy dinh dưỡng và thiếu máu mà còn có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng như gan, tim, mắt, tai… và thậm chí tiến triển đến hệ thần kinh, gây biến chứng và di chứng nghiêm trọng. Đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu phụ nữ mang thai chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc giang mai từ sớm. Việc phát hiện và điều trị kịp thời không chỉ bảo vệ sức khỏe của người mẹ mà còn là yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Do đó, khám thai định kỳ và tuân thủ chỉ dẫn y tế là cách tốt nhất để ngăn chặn giang mai bẩm sinh.
Trường hợp của bé T, sau khi nhập viện đã được điều trị khẩn cấp bằng kháng sinh trong 2 tuần theo phác đồ của Bộ Y tế, kết hợp truyền máu để cải thiện tình trạng thiếu máu và chăm sóc tích cực kết hợp dinh dưỡng.
Sau 5 ngày điều trị, các tổn thương ngoài da của trẻ giảm dần, trẻ cắt sốt và ăn uống tốt hơn. Sau 2 tuần điều trị tích cực, bé được xuất viện trong tình trạng ổn định, với cân nặng tăng trưởng khả quan.
Tác giả: Ngọc Minh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn