Các cơ quan đề nghị cho rằng: Sản xuất xe trong nước đang bất lợi với xe nhập khẩu (Ảnh mianh họa) |
Tỉnh Ninh Bình: Xe trong nước đang bất lợi với xe nhập khẩu
Trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước dùng để sản xuất và lắp ráp ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống.
Cơ quan này cho hay thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển ô tô và công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 116 và các thông tư hướng dẫn của Bộ ngành chức năng, UBND tỉnh đã tiến hành triển khai xây dựng và mở rộng Khu Công nghiệp Gián Khẩu thêm 50ha để Tập đoàn Thành Công cùng với Tập đoàn Hyundai thực hiện một số dự án đầu tư.
Các dự án này chủ yếu là mở rộng sản xuất lắp ráp ô tô và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Đực biệt, hôm 22/3 vừa qua, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Bình đã cùng với hai tập đoàn trên ký biên bản ghi nhớ về việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe du lịch Hyundai thứ 2 tại Khu Công nghiệp Gián Khẩu. Dự án này sẽ khởi công trong năm 2018 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, UBDN tỉnh Ninh Bình cho rằng, hiện nay ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước của các hãng đang gặp những bất lợi về giá thành so với xe nhập khẩu nguyên chiếc, nhất là các dòng xe nhập khẩu từ khối ASEAN. Nguyên nhân do phát sinh chi phí sản xuất trong nước cao; sản lượng sản xuất còn thấp so với công suất thiết kế.
"Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước chưa phát triển nên các phụ tình, linh kiện, vật tư dùng để sản xuất lắp ráp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài và chịu thêm chi phí đóng gói, bảo hiểm, lưu kho bãi, vận chuyển…", UBND tỉnh Ninh Bình nêu.
Do vậy, Ninh Bình đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội phương án miễn thuế TTĐB đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước dùng để sản xuất và lắp ráp các loại ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Việc miễn thuế này theo UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến kịch họ đầu tư vào các dự án sản xuất mới, công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường…
Thành Công – Hyundai đang hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, với tổng công suất 70.000 xe mỗi năm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng.
Bộ Tài chính: 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt
Trước đó, hồi tháng 1/2018, Bộ Tài chính cũng tổ chức lấy ý kiến về chính sách thuế TTĐB đối với các dòng xe con sản xuất trong nước. Theo đó, cơ quan này đưa ra 2 phương án về giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Theo đó, phương án 1 được đưa ra với đề xuất giá tính thuế TTĐB với xe con sản xuất trong nước thực hiện theo quy định hiện hành, tức là giá do cơ sở sản xuất bán ra không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Phương án 2 là lấy giá tính thuế TTĐB với xe con sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Hiệp hội Cơ khí VN: Nên miễn thuế TTĐB cho sản xuất trong nước
Trong văn bản gửi tới Liên bộ Tài chính – Công Thương hồi đầu tháng 4, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam đề xuất miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng đối với sản phẩm ô tô.
Cơ quan này cho rằng, nếu việc miễn thuế trên được chấp thuận, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, không chỉ khuyến khích các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô vốn nội địa mà còn khuyến khích các doanh nghiệp FDI tăng cường đầu tư chiều sâu để phát triển công nghiệp Việt Nam trong những năm tới. Giải pháp này theo Hiệp hội cũng được nhiều nước trong khu vực áp dụng..
Các cơ quan đề xuất cho rằng, nếu không ưu đãi thuế, DN sản xuất ô tô trong nước sẽ rất khó cạnh tranh |
Ngoài thuế TTĐB, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí cũng đề xuất miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô đầu tư tại Việt Nam. Giải pháp này được Hiệp hội đánh giá là sẽ thúc đẩy được ngành công nghiệp hỗ trợ bởi dung lượng thị trường Việt Nam còn thấp, các nhà sản xuất trong nước đang rất khó cạnh tranh khi chi phí đầu vào cao mà nhu cầu đầu ra lại chưa đủ lớn. Và nếu đề xuất miễn thuế này được thông qua, các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng sẽ đủ tự tin để đẩy nhanh quyết định đầu tư tại Việt Nam, qua đó, công nghiệp ô tô trong nước sẽ dễ dàng gia nhập sâu vào trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiệp hội thương mại tự do giữa các nước trong ASEAN có hiệu lực từ đầu năm 2018 cho phép thuế nhập khẩu ô tô có tỷ lệ nội địa hóa tại các nước thuộc khối này trên 40% được áp dụng mức thuế suất 0%. Điều này đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn giữa các nước trong khu vực.
"Với lợi thế về cơ sở sản xuất đã phát triển thì sớm hơn Việt Nam, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, rất nhiều các hãng xe Nhật Bản đang đẩy mạnh việc nhập khẩu các dòng xe nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam để tận dùng ưu thế về thuế nhập khẩu 0%", Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí nêu.
Hiệp hội này cũng cho rằng thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% cần được xem là thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải đối mặt trước mắt cũng như lâu dài. Chưa kể, thị hiếu người Việt hiện vẫn đang rất ưa chuộng các mẫu xe có nguồn gốc nhập khẩu, các nhà sản xuất nội địa càng thêm khó khăn trong câu chuyện cạnh tranh và giành thị phần…
Do đó, Hiệp hội Cơ khí đề xuất thêm ưu đãi thứ 3 là xem xét kéo dài thời hạn bảo lãnh thanh toán thuế. Theo Hiệp hội đây là giải pháp tối ưu giúp tinh giảm các thủ tục hoàn trả sau này cho các cơ quan chức năng, đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động trong quản lý dòng tiền.
Hiện, bảo lãnh thanh toán thuế chỉ có thời hạn tối đa 30 ngày và là quá ngắn so với thời hạn và rà soát hoàn trả thuế cho doanh nghiệp.
Tác giả: H.Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí