Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
- Thưa ông, tại sao khi đến gần sát ngày thi và có thể nói chỉ được tính bằng ngày (khi chỉ còn 2 tháng nữa là bước vào kỳ thi vào lớp 10), tỉnh Vĩnh Phúc mới đưa ra phương án thi với một phương thức hoàn toàn khác lạ?
Thực tế, phương án này đã được Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc chuẩn bị từ năm học trước. Trong các hội nghị giao ban với các trưởng phòng GD-ĐT đã thông báo việc hướng tới sẽ đổi mới phương án tuyển sinh theo sự đổi mới chung của toàn hệ thống. Thực tế hình thức này cũng không quá mới khi có những tỉnh đã đi trước như Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam và mới đây nhất là Nghệ An.
Năm nay chúng tôi cũng đã có hội nghị triệu tập 147 hiệu trưởng THCS, rồi hội nghị với các phòng giáo dục và phổ biến rất nhiều lần rồi. Thực ra đến thời điểm này mới xin ban hành quyết định thôi chứ không phải là đột xuất, muộn màng.
Về môn thi, công bố sớm quá thì sợ các nhà trường sẽ chỉ đạo học lệch, chỉ nhằm phục vụ cho việc thi cử mà thôi. Trong khi cấp THCS cần xây dựng nền tảng cơ bản, toàn diện, không xem trọng môn này, coi nhẹ môn kia. Còn việc học thì học sinh chỉ cần theo chương trình chuẩn, việc thi cử cũng sẽ nhẹ nhàng thôi.
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra phương án thi chỉ cách ngày thi ít ngày sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và khó có được sự chuẩn bị tốt nhất. Sở GD-ĐT giải thích sao về điều này?
Việc sử dụng bài thi tổ hợp trước đó Bộ GD-ĐT đã áp dụng ở kỳ thi THPT quốc gia và thí sinh cũng đã quen với sự xuất hiện của dạng bài thi này.
Việc thi cái gì học cái đó sẽ làm cho việc học trở nên phiến diện. Nếu chỉ thi 2 môn Toán, Văn và thêm môn Ngoại ngữ thì tại cơ sở sẽ có hiện tượng học lệch và thậm chí từ lớp 6 nhiều học sinh sẽ chỉ tập trung học 3 môn để dự thi tuyển sinh lớp 10.
Người không hiểu thì băn khoăn nhưng thực ra không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý học sinh.
Bởi bài thi tổ hợp với 3 môn chỉ tính hệ số 1 (điểm 2 bài thi Văn, Toán nhân hệ số 2, chiếm tới 80% tổng số điểm) và chỉ chiếm 20% tổng số điểm. Chia ra tỷ lệ thì 2 môn được chọn vào bài thi tổ hợp mỗi môn chỉ chiếm khoảng 7% tổng số điểm. Như vậy, điểm số các em bị ảnh hưởng bởi các môn thi tổ hợp này là không đáng kể. Do đó, không thể nói do bài thi tổ hợp mà các em trượt trong kỳ thi tuyển sinh được. Tôi cho rằng phương án thi này là rất hợp lý.
- Nhưng chỉ chênh nhau 0,25 điểm cũng ảnh hưởng đến kết quả đỗ-trượt của thí sinh, thưa ông?
Đương nhiên là vậy nhưng kể không thi thì nghĩa vụ của học sinh là vẫn phải học tất cả các môn.
Hiện nay, ở Vĩnh Phúc số trường THPT rất lớn trong khi nhu cầu học tập của các em lại ít, nhiều trường thiếu chỉ tiêu vì nhiều học sinh có khuynh hướng vào các trường dạy nghề.
Có thể thấy nhu cầu học tập hệ THPT của Vĩnh Phúc không căng thẳng như các địa phương khác nên nói rằng các em bỡ ngỡ chỉ là cái cớ.
- Vậy tại sao Sở không công bố sớm hơn về dự kiến hình thức thi cho mọi người được biết?
Chủ trương là sự đề xuất của Sở nhưng đến nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới ban hành. Việc này cần nghiên cứu kỹ nên UBND tỉnh cũng cần thời gian. Tất nhiên, trước đó Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng phải giải trình.
Thực ra sở GD-ĐT đã tuyên truyền qua hệ thống nội bộ của ngành từ rất sớm qua các hội nghị đến các đơn vị trực tiếp nhưng các thông tin có thể các đơn vị phổ biến chưa được kỹ.
Vậy tại sao nhiều học sinh, phụ huynh vẫn hoang mang và cho hay không hề nhận được thông tin về việc thi tổ hợp trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, thưa ông?
Thực tế là chúng tôi cũng xin nhận là việc phối hợp với các kênh truyền thông để thông tin tới thí sinh, phụ huynh và xã hội là chưa được tốt lắm. Nhưng tôi nghĩ nếu các học sinh học các môn bình thường thì có gì phải lo lắng.
- Với hình thức thi mà học sinh sẽ phải ôn luyện tới 9 môn, liệu có quá nhiều không, thưa ông?
Các học sinh cứ học bình thường, đề thi sẽ ra cơ bản không cần quá lo lắng, áp lực. Chúng tôi cũng đã định hướng các nhà trường tổ chức dạy học các môn một cách bình thường, cơ bản. Những môn này cũng không phải là yếu tố quyết định khi tỷ lệ điểm của chúng không cao. Tôi nghĩ học sinh chỉ cần học tập, ôn luyện bình thường là có thể hoàn thành tốt bài thi, không cần quá căng thẳng.
- Việc Vĩnh Phúc tổ chức kỳ thi tổ hợp để xét tuyển học sinh theo hướng toàn diện vào THPT liệu có mâu thuẫn với định hướng sẽ phân hóa ở bậc THPT theo tinh thần của chương trình phổ thông mới?
Chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020 và từ nay đến trước khoảng thời gian đó, Bộ GD-ĐT giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia, do đó việc cho học sinh làm quen và tiếp cận với hình thức thi này tôi nghĩ vẫn đảm bảo chuẩn xác. Khi nội dung chương trình, SGK mới thay đổi thì phương án sẽ tuyển sinh theo phân hóa, lúc ấy học sinh có thể được tự chọn.
Ngoài ra chúng tôi xác định, kỳ thi vào lớp 10 không hẳn chỉ mục đích tuyển sinh vào THPT mà cũng định hướng đảm bảo bậc THCS khi kết thúc thì học sinh có đủ kiến thức để có thể học lên hoặc theo hướng học nghề.
- Vậy khi nào sở sẽ công bố 2 môn thi của bài thi tổ hợp?
Cuối tuần này hoặc muộn nhất trong tuần tới chúng tôi sẽ công bố.
- Để thực hiện bài thi tổ hợp cần có ngân hàng đề thi và thường phải chuẩn bị trước cả năm. Trong khi, vài ngày nữa Vĩnh Phúc mới công bố 2 môn thi còn lại, vậy đề thi liệu có đáp ứng các yêu cầu đặt ra?
Môn Ngoại ngữ là môn thi truyền thống thì hệ thống câu hỏi đề thi đã ổn định rồi. 2 môn còn lại trong bài thi tổ hợp với thời gian làm bài mỗi môn 30 phút thì số lượng câu hỏi ít nên cũng không quá lo ngại. Sau khi bốc chọn môn thi nào rồi chúng tôi mới xây dựng đề, chứ nếu xây dựng ngân hàng đề cho cả 9 môn thì sẽ rất tốn kém.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet