Kinh tế

Bán hàng online, giao hàng nhanh 'phất' mạnh nhờ COVID-19

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực thương mại điện tử và giao hàng nhanh hoàn toàn trái ngược so với các lĩnh vực du lịch, bán lẻ.

Kênh Channel News Asia (CNA) ngày 19-2 đưa tin cho biết ngành dịch vụ giao hàng nhanh tại Singapore đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành.

Nguyên nhân xuất phát từ nỗi e ngại của nhiều người trước sự bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 gây ra. Đa số ngành hàng từ bán lẻ đến kinh doanh thực phẩm đều bị ảnh hưởng ít nhiều, tuy nhiên lĩnh vực giao hàng nhanh lại "thu lợi" hơn cả.

Nhiều người chọn làm việc ở nhà và hạn chế ra đường, đến các nơi tập trung đông người, vì vậy nhu cầu mua hàng online và đặt đồ ăn đến tận nhà đã tăng nhanh chóng trong giai đoạn này.

Ngày 7-2, Hệ thống Điều kiện Ứng phó Bùng phát Dịch bệnh (DORSCON) của Singapore nâng báo động từ mức Vàng lên Cam (tương đương mức độ của dịch H1N1 năm 2009).

Các doanh nghiệp được khuyến cáo sử dụng công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa hoặc tách nhỏ các nhóm trong phòng, ban để hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các nhân viên.

Việc này đã dẫn đến kết quả tất yếu là doanh thu của các ngành vận tải, du lịch và bán lẻ tại khu trung tâm thương mại của Singapore đều báo kết quả giảm mạnh.

Tuy nhiên, đây là cơ hội cho lĩnh vực thương mại điện tử và giao hàng nhanh "bùng nổ". Công ty Thương mại điện tử Lazada cho biết từ lúc mức báo động của DORSCON được nâng lên màu Cam, doanh thu từ các đơn hàng số lượng lớn đột nhiên tăng đáng kể.

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát, các ứng dụng gọi xe và giao hàng nhanh giúp chính quyền Singapore chống lại dịch bệnh. Ảnh: NIKKEI ASEAN REVIEW

Cụ thể, dịch vụ siêu thị online RedMart của Lazada báo doanh thu tăng hơn 300% so với mức trung bình.

"Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu cao chưa từng thấy trước đây" - người đại diện của Lazada cho biết. Nhu cầu với mặt hàng thực phẩm tăng hơn 10 lần, các sản phẩm giấy tăng năm lần, còn các sản phẩm chăm sóc cá nhân và vệ sinh nhà ở là sáu lần.

Bên cạnh Lazada, chuỗi siêu thị online FairPrice cũng đưa ra nhận xét tương tự về tình hình thị trường bán lẻ trong giai đoạn này. Các mặt hàng bán chạy nhất tại FairPrice là sữa bột, gạo, nước ngọt, chất khử trùng và các sản phẩm từ giấy.

Cả hai ông lớn trong ngành thương mại điện tử đều cho biết sẽ nỗ lực tăng cường khả năng giao hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Sự tăng mạnh trong lĩnh vực thương mại điện từ đồng nghĩa với việc lĩnh vực giao hành nhanh cũng mang về những lợi thế nhất định.

Cả hai hãng giao đồ ăn Grab và Deliveroo cùng ghi nhận số lượng đơn hàng tăng 20% các tuần gần đây.

Nhóm phân tích nhu cầu của Deliveroo đã phân tích dữ liệu từ các đơn hàng để bố trí số lượng tài xế giao hàng phù hợp trên các tuyến đường.

Foodpanda, một hãng giao đồ ăn khác tại Singapore cũng ghi nhận mức tăng 10% trong số lượng đơn đặt hàng mỗi tuần.

Ba nền tảng đặt thức ăn trực tuyến trên cho biết ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, các yếu tố đến từ chiến dịch marekting của các thương hiệu thực phẩm và nhà hàng cũng đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của họ.

Bảo vệ tài xế giao hàng

Các công ty thương mại điện tử trên cho biết họ đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ để bảo vệ cả nhân viên giao hàng và người tiêu dùng khỏi virus COVID-19.
Lazada và FairPrice đều có chính sách kiểm tra sức khỏe, khử trùng nhân viên và tài xế giao hàng mỗi ngày. Đồng thời, hai công ty này cũng trang bị cho nhân viên các kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi dịch bệnh.

Tài xế giao hàng của Grabfood. Ảnh: JEREMY LONG

Riêng Lazada, thay vì khách hàng phải xác nhận đã nhận hàng như trước đây, công ty này đã đổi chính sách sang nhân viên giao hàng thay mặt khách hàng xác nhận.

Chính phủ Singapore cũng đã tuyên bố gần đây rằng nhân viên giao hàng sẽ được trợ cấp 100 đô Singapore (SGD)/ngày nếu họ phải cách ly trong 14 ngày.

Hãng giao hàng Grab, Deliveroo và Đơn vị những người làm việc tự do và tự kinh doanh thuộc Công đoàn Singapore cũng trợ cấp cho nhân viên (thành viên) của mình 100-200 đô Singapore (SGD) nếu họ phải cách ly hoặc nhập viện trong thời gian này.

Foodpanda còn cung cấp khẩu trang và cập nhật tình hình dịch bệnh cho nhân viên giao hàng hằng ngày. Khách hàng của công ty này được khuyến khích thanh toán trực tuyến thay vì tiền mặt.

Tài xế giao hàng cũng được hướng dẫn khử trùng tay sau khi nhận tiền mặt thanh toán từ khách hàng.

Tính đến sáng 19-2, Singapore đã ghi nhận 81 ca nhiễm COVID-19, không có trường hợp tử vong nào.

Tác giả: TRÀ GIANG

Nguồn tin: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP