Trong nước

Áp thấp trên Biển Đông liên tiếp "nâng cấp" lên áp thấp nhiệt đới rồi bão

Áp thấp ở nam Biển Đông di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tiến gần hơn vùng biển Nam Bộ và khả năng tiếp tục mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 31-12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 7,0-8,0 độ Vĩ Bắc; 112,5-113,5 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 180 km về phía Nam Tây Nam.

áp thấp

Dự báo vị trí và hướng di chuyển của áp thấp - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ 1-1-2019, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 6,4 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân (quần đảo Trường Sa) khoảng 180 km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 7,0 độ Vĩ Bắc.

Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới trên Nam Biển Đông: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 2-1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 6,2 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 420 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Hình ảnh mây vệ tinh của áp thấp - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh và có khả năng kéo dài 3-4 ngày tới; Ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ và khu vực quần đảo Trường Sa có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Từ đêm nay 31-12, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Bắc vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) và phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9-10; biển động mạnh.

Cảnh báo lũ các sông từ Thừa Thiên Huế - Ninh Thuận khả năng lên lại

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết sáng nay 31-12, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to (lượng mưa trong 12 giờ qua, tính từ 19 giờ ngày 30-12 đến 7 giờ ngày 31-12, tại một số nơi như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 37 mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 35 mm…

Dự báo do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 20-50 mm/24 giờ).

Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông ở rìa phía Bắc rãnh áp thấp có trục ở khoảng 6-9 độ Vĩ Bắc, nên từ chiều và đêm nay 31-12 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 70-150 mm/24 giờ, có nơi trên 200 mm/24 giờ). Sau đó mưa vừa, mưa to còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 3 đến 4-1-2019.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo từ đêm nay 31-12, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên lại. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận (Thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Tác giả: D.Ngọc

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP