|
Thông tin trên được nêu ra tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn các tỉnh phía Bắc do Cục Thú y tổ chức sáng 15-2.
Cụ thể, số trường hợp tử vong do bệnh dại năm rồi liên quan tới 26 tỉnh, thành phố, trong đó có tính chất ổ dịch tại ba tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn và Cà Mau. Số phải điều trị dự phòng do chó, mèo cắn trên 400.000 người.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh 2019, Cục Thú y cho biết nguy cơ dại xuất hiện trong thời gian tới là rất cao do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa tốt. 18/63 tỉnh chưa thống kê, không có báo cáo về số hộ nuôi chó, tổng đàn chó để phục vụ cho công tác tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó rất thấp.
Cạnh đó, từ đầu năm đến nay, cúm gia cầm đã xảy ra tại hai hộ chăn nuôi ở Quảng Ngãi và Khánh Hòa, buộc phải tiêu hủy gần 9.000 con. Lở mồm long móng cũng xảy ra tại Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Trị, Kon Tum…
Cục Thú y nhận định nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh lở mồm long móng thời gian tới là rất cao vì mầm bệnh trong đàn gia súc rất nhiều và có ở hầu khắp các địa phương. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều trong khi tiêm phòng và phòng bệnh bằng các biện pháp an toàn sinh học chưa thực hiện thường xuyên. Buôn bán, vận chuyển gia súc dịp trước, sau Tết Nguyên đán gia tăng trong điều kiện thời tiết đầu năm các tỉnh phía Bắc không thuận cho chăn nuôi cũng gây nguy cơ lây lan bệnh dịch...
Cũng trong sáu tháng qua, Trung Quốc đã xuất hiện 105 ổ dịch, phải tiêu hủy gần một triệu con lợn do bệnh tả lợn châu Phi. Trước nguy cơ dịch xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao, Cục Thú ý vừa lập tám đội phản ứng nhanh, kiện toàn tám phòng xét nghiệm. Tính đến hết tháng 1-2019, đã có hơn 4.000 mẫu được xét nghiệm cho kết quả âm tính với vi rút tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông báo cho đại sứ quán các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi khác như Ba Lan, Hungary, Bỉ về việc Việt Nam tạm dừng nhập khẩu lợn, sản phẩm của lợn từ các vùng có bệnh dịch tả lợn châu Phi theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Tác giả: MAI HIỀN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM