Cuộc sống

18 tầng địa ngục và những câu chuyện liên quan đến "tháng cô hồn"

Đến Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), du khách có thể hiểu rõ sự hình thành 18 tầng địa ngục và sự ra đời "tháng cô hồn".

Tháng 7 âm lịch hàng năm còn được gọi là “tháng cô hồn” hoặc “mở cửa mả”. Dân gian quan niệm đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân” – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đó cũng chính là ngày “âm khí xung thiên”.

Ngày rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm là ngày "xá tội vong nhân'', mà dân gian gọi nôm na là ngày Cúng cô hồn. Ngoài ra, đây cũng còn là ngày báo hiếu mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày Lễ "Vu Lan".

Đối với người Việt, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống có từ lâu đời. Người Việt từ xa xưa đã quan niệm, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai khiếp khác hay có người thì bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.

Diêm Vương cho mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 âm lịch hàng năm để quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. (Ảnh minh họa).

Từ đó cũng xuất hiện quan niệm rằng, "tháng cô hồn" là tháng ma quỷ, không đêm lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7. Câu chuyện liên quan "Cúng cô hồn" hay "Lễ Vu lan" bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Ông Ma Ha Một Đặc Già La (thường gọi là Đại Mục Kiền Liên), vốn đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.

Sau khi đã chứng quả A La Hán, Tôn giả Mục Kiền Liên ngậm ngùi nhớ đến mẫu thân là bà Thanh Đề đã qua đời. Muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên ngài dùng tuệ nhãn quan sát khắp “bốn phương tám hướng”, liền thấy mẹ mình đang chịu cảnh tội đồ, là quỷ đói trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết, đói không được ăn, khát không được uống.

Hình ảnh tại động Âm phủ, khi Tôn giả Mục Kiền Liên xuống tận Ngục A tỳ để đưa cơm cho mẹ và bát cơm của bà Thanh Đề hóa thành than đỏ vì nghiệp quả lúc còn sống. (Ảnh minh họa).

Biết đó là kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng ngài vẫn không khỏi thương xót. Dùng pháp thuật của mình, Tôn giả Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ, nhưng nghiệp quá lớn nên bát cơm trên tay bà Thanh Đề bỗng hóa thành than đỏ.

Theo lời Phật dạy, nhằm ngày rằm tháng Bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan (chậu đựng đồ lễ cúng dàng), thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện, để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.

Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là "Vu Lan bồn pháp", lễ cúng đó gọi là "Vu Lan bồn hội", còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là "Vu Lan bồn kinh".

Thập Điện Minh Vương nơi thờ cúng 10 vị cai quản 10 cõi địa ngục tại Âm phủ với Giám kính đài nhìn lại tội lỗi của người chết. (Ảnh minh họa).

Những hình ảnh liên quan mở cả Quỷ Môn Quan, sự tích ra đời "tháng cô hồn", hình ảnh của 18 tầng địa ngục đều được tái hiện sinh động tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Trong khu vực Động Âm Phủ khắc họa hình ảnh Tôn giả Mục Kiền Liên xuống tận Ngục A tỳ để đưa cơm cho mẹ và bát cơm của bà Thanh Đề hóa thành than đỏ vì nghiệp quả lúc còn sống.

Ngoài ra, Động Âm phủ tái hiện 18 tầng Ngục A tỳ, và những hình phạt tại mỗi tầng địa ngục dành cho từng tội lỗi của con người lúc còn sống, cũng được tái hiện sinh động, qua từng địa danh như: Địa ngục môn, Suối giải oan, Cân Thiên Lý, Cầu Âm Dương, sông Nại Hà, Anh Linh đài, Sám hối đài, Thập Điện Minh Vương, ...

Tác giả: Nguyễn Tuấn

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP