Lọng vàng là cách ông Đỗ Anh Thư – Giám đốc Công ty Sans Souci (nghĩa là Không lo âu) miêu tả những chiếc xích lô chở khách du lịch của mình. Có thể mọi người cho rằng ông Thư đã quá lời khi ca ngợi loại phương tiện thô sơ này. Tuy nhiên, những ai biết hoặc từng chứng kiến quá trình "thay da đổi thịt" của chiếc xích lô sẽ hiểu được điều này.
Ông Đỗ Anh Thư trong phòng giao dịch của công ty. |
Biến xe chở hàng thành xích lô lọng vàng
Trong căn phòng giao dịch vỏn vẹn 10m2 trong ngõ Phất Lộc, ông Thư nhớ lại những ngày đầu tạo dựng thương hiệu xích lô Sans Souci. Trước 2001, xích lô chủ yếu là phương tiện để chở hàng hóa nên chiếc nào chiếc đấy đen đúa, cũ kỹ với lưng tựa thẳng đứng, tay vịn bằng gỗ, bọc tôn đen xung quanh.
Để biến những chiếc xe vốn chở gà, chở lợn... thành phương tiện chuyên chở khách, quyết định đầu tiên của ông khi thành lập công ty là quy định kích thước và hình dáng chung cho xích lô.
"Phần tựa cũng phải có độ ngả như nhau để tạo cảm giác thoải mái cho khách. Mũi xe lúc đó chủ yếu gập 90 độ, tôi phải yêu cầu anh em đánh bai ra để hướng về phía trước như mũi thuyền, có như vậy mới giống lướt khi di chuyển", ông Thư nói.
Với cách cầm tay chỉ việc của ông, trong vòng một tháng, những chiếc xích lô du lịch đầu tiên được định hình. Tất cả tương đồng về kích thước và màu sắc với mui đỏ diềm vàng, bên trên có dán dòng chữ Sans Souci cắt dán bằng tay.
"Tôi thường nói với anh em, chỉ có 2 màu vua chúa thường thích là đỏ và vàng. Xe mình có mui màu đỏ, diềm vàng làm giống như lọng vua, bởi thế xe này là để phục vụ các thượng đế", ông giải bày.
Từng là một giáo viên dạy sử và thường xuyên nghiên cứu các tài liệu, ông Thư đặc biệt ấn tượng với chiếc xích lô thanh thoát, trang nhã của những năm 40, 50 của thế kỷ trước. Do đó, với ông xích lô du lịch chừng đó là chưa đủ. "Xích lô xưa đẹp lắm, có tay vịn như salon, gác-đờ-bu đen bóng", ông Thư nhấn mạnh.
Điều đó thôi thúc ông quyết tâm "tân trang" cho những đứa con cưng của mình. Vì điều kiện kinh tế không cho phép, ông Thư vận động anh em mỗi ngày làm việc đóng góp 5.000 đồng để mua thêm những tấm inox hay vải giả da, nệm mút sửa sang cho xe thêm đẹp. Đến cuối tháng, ông tổ chức gắp thăm, bốc trúng ai, xe người đó sẽ được làm mới trước. Cứ như thế, những chiếc xích lô sáng choang, lọng đỏ vàng xuất hiện ngày càng nhiều trên phố.
Trước đây, ông Thư cũng phối hợp cùng các công ty du lịch thiết kế tour xích lô sáng tạo như chở khách qua cầu Long Biên rồi đi tiếp bằng xe trâu, vừa ngồi xích lô ngắm phổ cổ vừa tham gia trò chơi tìm quà lưu niệm... |
Từ lao động chân tay đến người làm dịch vụ
Xe đẹp đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ phải nâng cao. Vì vậy, điều khó khăn nhất với ông lúc đó là thay đổi cách tư duy và làm việc của đội ngũ đạp xích lô. Trước tiên, ông muốn chính những người cầm lái thay đổi cách họ nhìn nhận về nghề nghiệp của mình.
"Nhiều người cho rằng lái xích lô là nghề thấp hèn trong xã hội, phải cúi khom trước người quyền quý. Nhưng từ giờ phút này trở đi, mọi người đều bình đẳng, khách trả tiền và ta phục vụ nhiệt tình, cả hai bên đều thoải mái", ông nhắc lại những lần nói chuyện với các anh em trong đội.
Rồi những manh áo nhàu nhĩ cũng dần được các người lái xích lô thay thế bằng chiếc áo trắng chỉn chu. Mọi người bắt đầu tiêu tiền đô la Mỹ, Hong Kong, Singapore và học nói những câu giao tiếp cơ bản bằng ngoại ngữ.
"Mưa dầm thấm lâu" là phương pháp ông áp dụng để truyền bá vốn kiến thức và ngoại ngữ của mình cho đội xích lô. Tranh thủ lúc anh em nghỉ ngơi hay rảnh rỗi, ông Thư tập trung mọi người lại, có thể ngay trên vỉa hè, vừa trò chuyện, vừa bồi vài câu tiếng Anh, tiếng Pháp để mọi người đọc theo. Một số câu thông dụng như chào hỏi, ăn gì, đi đâu... được ông phiên âm, dịch nghĩa ra tiếng Việt để anh em dễ học, cứ như thế mỗi "buổi lên lớp" kéo dài khoảng 15-20 phút.
Kiến thức lịch sử về những điểm tham quan trong phố cổ và Hà Nội cũng được ông lồng ghép khéo léo vào những câu chuyện thường ngày. Nhờ đó, các thông tin tưởng hàn lâm, khó nhớ lại trở nên gần gũi và thân thuộc. "Có thông tin để nói chuyện, mình vừa giới thiệu được cho khách, mà họ thích thú, có thể boa nhiều hơn", ông Thư giải thích để anh em chịu khó học hỏi, nhớ bài.
Tuy nhiên, mọi việc không hề dễ dàng, nhất là với đội xích lô đến từ nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có không ít được nhận sau khi cải tạo trở về hoặc mới cai nghiện. Do đó, ông thường dành thời gian gặp mặt riêng để "đả thông tư tưởng". Ông Thư cũng yêu cầu những người này viết giấy cam đoan, nếu vi phạm 3 lần sẽ buộc thôi việc.
"Tôi cho họ một công việc nhưng họ cũng cần cho tôi niềm tin. Giấy cam đoan này là để hai bên làm việc cùng cảm thấy thoải mái", ông Thư nói.
Những bài báo về xích lô Không lo âu được ông Thư đóng khung cẩn thận, treo khắp phòng. |
Làm giám đốc 13 năm nhưng ông Thư chỉ dừng đạp xích lô vài năm gần đây. Ông cho biết trước đây ông vẫn ngày ngày đạp xích lô cùng anh em trong đội là để làm gương, tạo sự gần gũi và động viên mọi người cùng cố gắng. "Nhưng khi lượng khách giảm, tôi nhận ra cái cần làm lúc này là tìm thật nhiều hợp đồng mới để tạo công ăn việc làm đều đặn cho anh em".
Tác giả bài viết: Vy An