Số hóa

YouTube và những góc khuất cần thắt chặt

Khi nhìn vào một YouTube ngập tràn nội dung sai sự thật, có lẽ không ít người sẽ phải suy nghĩ về quy định đặt máy chủ các hãng công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.

Thảm họa” YouTube đến từ đâu?

YouTube là nền tảng lưu trữ nội dung video lớn nhất thế giới hiện nay. Được thành lập bởi ba nhân viên cũ của PayPal vào giữa tháng 2 năm 2005, nó được hình thành với mục đích là nơi chia sẻ video cho tất cả mọi người trên thế giới.

Sự phát triển bùng nổ của YouTube đến ngay sau đó khi nó ra đời đúng vào thời điểm Internet đã đến với khắp “hang cùng ngõ hẻm” và các thiết bị quay phim cá nhân ngày càng trở nên phổ biến. Nhận thấy tiềm năng của YouTube, ngày 13 tháng 11 năm 2006 Google quyết định mua lại website này với giá 1,65 tỷ USD trả bằng cổ phiếu.

Trong nhiều năm sau đó, chính sách ăn chia tiền quảng cáo của YouTube với người dùng đã khiến số lượng video trên website này tăng chóng mặt. Mỗi người dùng khi đăng tải video lên c sẽ nhận được 55% tiền quảng cáo thu về từ video đó.

Các con số thống kê về YouTube gần đây cho thấy, mạng xã hội video này có hơn 30 tỷ lượt khách ghé thăm mỗi ngày.

Các con số thống kê về YouTube gần đây cho thấy, mạng xã hội video này có hơn 30 tỷ lượt khách ghé thăm mỗi ngày. Mỗi phút có thêm 300 giờ video được tải lên, 1 ngày có 5 tỷ lượt xem video trên YouTube và 30 tỷ lượt ghé thăm website, những con số quá đỗi ấn tượng.

Tuy nhiên, mặt trái của việc kiếm tiền từ YouTube đã lộ rõ trong những năm gần đây. Với tinh thần “tất cả vì lượt xem”, có những kẻ đã không từ thủ đoạn nào để khiến các video của mình trở nên hút khách, bất chấp nội dung video xoay quanh những vấn đề phi đạo đức.

Đức Minh, một người chuyên kiếm tiền từ YouTube cho biết: “Nếu không sử dụng thủ thuật, các chiêu trò mánh khóe và các nội dung sốc để hút khách thì đừng hòng kiếm được tiền từ YouTube ở thời điểm hiện tại. Thời của các kênh video bỗng chốc “vớ” được tỷ lượt xem như Michelle Phan ngày xưa đã qua rồi”.

Bất chấp mọi thứ vì tiền

Các thủ đoạn mà kẻ xấu sử dụng để trục lợi từ YouTube có rất nhiều, nhưng phổ biến nhất tại Việt Nam đó là ba hình thức “xào nấu video”, “đưa tin giả mạo” và “reup” (tải lại video người khác đã tải lên trước đó).

“Xào nấu video” được tiến hành bằng cách tải và cắt ghép nhiều video của người dùng trước đó về cùng một chủ đề lại với nhau, tạo thành một video mới và sau đó điềm nhiên tải nó lên kênh của mình trên YouTube để thu hút lượt xem.

“Đưa tin giả mạo” cũng sử dụng phương pháp cắt ghép video giống như trên, nhưng kẻ gian cố tình đặt tiêu đề gây “sốc” bằng những thông tin bịa đặt, nội dung sai sự thật nhằm thu hút dư luận, đôi khi trái ngược lại hoàn toàn với tin gốc.

Cuối cùng, hình thức “reup” là phổ biến nhất trong cộng đồng kiếm tiền từ YouTube Việt Nam do đơn giản, không tốn nhiều chất xám. Chỉ cần lên tìm kiếm một video nào đó đang “hot”, hoặc một bộ phim đang hút khách ở nước ngoài, tải về và đặt tiêu đề tiếng Việt sau đó đưa lên kênh của mình để kiếm lượt xem. Phổ biến nhất là các bộ phim truyền hình hoặc điện ảnh của châu Á, vốn không bị “soi” vấn đề bản quyền trên YouTube như phim Âu, Mỹ.

Tại Việt Nam, việc kiếm lượt xem từ các nội dung “ấu dâm” cũng xuất hiện nhưng không phổ biến như nước ngoài. Có lẽ là do quan điểm của cộng đồng về vấn đề này vẫn còn khá dè dặt, không có nhiều kẻ “bệnh hoạn” như ở nước ngoài. “Năm ngoái đã có người làm nội dung phản cảm cho trẻ em và bị báo chí cũng như cộng đồng lên án, bị phạt tiền" - một người dùng YouTube cho biết.

Cần thắt chặt kiểm soát nội dung YouTube tại Việt Nam

Hồi tháng 3 năm nay, hàng loạt thương hiệu lớn như Johnson & Johnson, JPMorgan Chase, Verizon, AT&T, Starbucks, Pepsi, Walmart, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal, BBC,... rút quảng cáo khỏi YouTube do nghi ngờ quảng cáo của mình xuất hiện tại các video có nội dung không phù hợp.

Tuần trước, thêm những cái tên như Adidas, Deutsche Bank, Cadbury và Hewlett-Packard đồng loạt ngừng quảng cáo trên YouTube. Điều này dẫn đến việc YouTube phải xóa 270 tài khoản và hơn 150.000 video, tắt bình luận bên dưới 625.000 video. Đại diện YouTube và Google đã phải đăng đàn xin lỗi sau các sự cố này và hứa sẽ cải thiện bộ lọc tìm kiếm cũng như tăng cường kiểm duyệt video.

Thế nhưng, ở trong nước số lượng nhãn hàng quan tâm đến việc quảng cáo của họ sẽ hiện ở đâu trên YouTube còn khá ít, do đó việc website này quan tâm đến sự an toàn của thị trường Việt Nam là hầu như không có. Những kẻ xấu vẫn tha hồ tung các nội dung độc hại lên YouTube để kiếm tiền.

YouTube tại Việt Nam thiếu sự quản lý chặt chẽ.

Việc phát hiện ra các video có nội dung xấu, không lành mạnh tại Việt Nam giờ đây chỉ có thể dựa vào sự phản hồi của cộng đồng, khi họ có thể báo cáo với YouTube về một video nào đó không phù hợp. Tuy nhiên việc này thường diễn ra rất lâu sau khi video đăng tải và do đó đã có rất nhiều người xem video này.

Do đó, đã đến lúc cần một biện pháp nào đó chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn các nội dung xấu ngay từ khi nó chưa được phổ biến rộng rãi cho người xem. Yêu cầu YouTube tuân thủ quy định đặt máy chủ tại Việt Nam là một biện pháp như thế.

Không ít người phản đối điều này vẫn thường sử dụng YouTube như một kênh giải trí cho con cái họ hàng ngày. Không biết các bậc phụ huynh này sẽ phản ứng ra sao khi một ngày nào đó, 1 video “ấu dâm” không may lọt vào danh sách phát tự động của YouTube và đứa trẻ vẫn đang ngồi trước màn hình.

Tác giả: Ngọc Quang

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: YouTube

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP