Cán bộ phụ trách thuế cơ sở giải thích điều chỉnh tăng thuế 20% đối với hộ cá thể
Chị Xuân cho rằng: Khi đã làm kinh doanh thì mình phải có nghĩa vụ nộp thuế, vì tiền thuế là để xây dựng đất nước. Nhưng thực tế, nhiều năm nay, hoạt động kinh doanh, may mặc nhỏ lẻ như gia đình sa sút vì dân chạy theo thị hiếu, đồ may sẵn nhiều mẫu mã, đẹp, rẻ. Nhiều bộ bán rẻ hơn cả vải lấy vào chứ chưa nói đến chi tiền công. Nếu như trước thuê 3 – 5 công nhân, nay chỉ mình tôi làm, thuế tăng lên nên khó khăn, tôi đang viết đơn trình lên chi cục Thuế và UBND Thị trấn để miễn giảm cho gia đình..”.
Thị trấn là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Yên Thành nên hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra thường nhật và luôn sôi động. Theo nhận định, nếu hoàn thiện chính sách và có công cụ quản lý để nâng cao hiệu quả thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể này thì đây sẽ là một nguồn thu đáng kể góp phần vào nguồn ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thuế GTGT sửa đổi, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế. Như vậy, số hộ có thu nhập thấp hiện nay đang được miễn thuế sẽ tăng và các hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Các hộ này cho rằng, chính sách thuế thu nhập cá nhân ,chưa công bằng. Mặc dù UBND thị đã phối hợp với cán bộ chuyên quản ngành thuế đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổng rà soát nhưng xem ra vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các hộ kinh doanh.
Năm 2017, Thị trấn có 140 hộ nằm trong bộ thuế, có mức doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/năm, tuy nhiên, hầu hết vẫn chưa đồng tình với chủ trương điều chỉnh tăng thuế 20%.
Ông Phan Doãn Tiến – Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch hội đồng tư vấn thuế Thị trấn cho biết: Khi lập bộ thuế vẫn còn những khó khăn nhất định, trước hết, do dự toán của cấp trên giao cho địa phương theo quy định chung, hầu hết tăng đều 20%, thì UBND Thị, Chi cục thuế huyện cũng đã mời các hộ kinh doanh về tại chi cục để thảo luận, thương thảo với nhau để thống nhất mức thuế nhưng đa số các hộ chưa đồng tình cho lắm nên việc triển khai thu nạp vào NSNN trong quý 1 năm 2017 không hoàn thành được so với mọi năm….
Để quản lý tốt khoản thu từ các hộ kinh doanh, thời gian qua, Chi cục thuế huyện Yên Thành đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn điều tra nắm chắc số hộ, diễn biến hoạt động của các hộ như: hộ mới kinh doanh, hộ nghỉ kinh doanh, di chuyển địa điểm kinh doanh... Qua công tác nắm địa bàn và các thông tin kê khai đăng ký thuế của các đối tượng nộp thuế, các Đội thuế tiến hành sắp xếp phân loại các hộ kinh doanh theo ngành nghề kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, quy mô kinh doanh, theo phương pháp tính thuế và đã tiến hành lập bộ thuế cho 927 hộ.
Theo dự toán thu mà HĐND tỉnh và HĐND huyện giao trong năm 2017, toàn huyện phải thu từ các đối tượng này là trên 31 tỷ đồng bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, phân bổ dự toán quý I là khoảng hơn 6,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện chỉ thu được gần 3,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do diện hộ quản lý rộng, trong khi cơ chế cho phép hộ kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm về các khoản kê khai, nhưng nhiều hộ ý thức tự giác nộp thuế chưa cao. Mặt khác, người nộp thuế có thói quen nộp theo tháng chứ không muốn nộp theo quý vì có số tiền lớn, ngại đến ngân hàng và kho bạc để nạp tiền và muốn duy trì nộp trực tiếp tại nhà.
Hội đồng tư vấn thuế Thị Trấn phối hợp với cán bộ chuyên quản Chi cục thuế huyện khảo sát đánh giá doanh thu của các hộ
Ông Dương Minh Đức - Chi cục trưởng chi cục thuế Yên Thành cho biết: Chi cục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về nghĩa vụ nộp thuế. Tuyên truyền bằng việc cổ động trên các trục đường, treo băng rôn qua đường, tại các trung tâm, vùng đông dân cư để người dân biết và chấp hành việc điều chỉnh thuế,so với năm 2016 tăng bình quân 20%, bởi vì do yêu cầu chi ngân sách nhà nước, chỉ số giá cả năm sau so với năm trước,giao chỉ tiêu dự toán mang tính tiên tiến, phải xử lý bất hợp lý và chống thất thu ngân sách nữa cần phải rà soát, lập bộ thuế đúng, đủ, kịp thời và cương quyết xử lý các trường hợp chống đối, chây ỳ, không thực hiện nộp theo quy định...
Nạp thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn thu này sẽ đảm bảo để tái thiết và xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, ngoài đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, thì cần hơn nữa sự phối hợp vào cuộc của các ngành liên quan, chính quyền địa phương mà hơn hết là ý thức tự giác của người nộp thuế góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trên địa bàn.
Nguồn tin: