Người dân ở làng nghề mật mía làm xuyên ngày đêm để cung ứng sản phẩm ra thị trường Tết. |
Mật mía Thanh Hóa được nhiều người yêu thích, thường được dùng để nấu món chè, để chấm bánh chưng hay làm bánh gai, bánh trôi…
Ở Thanh Hóa, huyện Thạch Thành được xem là "thủ phủ" của mật mía. Từ lâu, sản phẩm truyền thống mật mía Thạch Thành được khách hàng ưa chuộng bởi độ thơm ngon và màu sắc đẹp.
Có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Long (40 tuổi, tại khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành), mía được chất thành đống ngoài sân, bên trong những người thợ đang chuẩn bị cho ra mẻ mật đầu tiên trong ngày. Bốn chiếc chảo lớn nấu mật sôi sục, khói bốc lên nghi ngút.
Tay vừa đảo mật, vớt bọt mía, ông Long cho biết, 3 - 4 tiếng thì cho ra một mẻ mật, mật được múc ra lọc khi còn nóng để loại bỏ những cặn bụi, để nguội rồi được đóng vào thùng, can và chờ thương lái đến nhập để cung cấp ra thị trường phục vụ khách hàng dịp Tết.
"Năm nào cũng vậy, thường bà con sẽ chạy đua vào tháng cuối năm. Lúc này là thời điểm thương lái ở khắp nơi về lấy hàng mang đi tiêu thụ", ông Long chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh (52 tuổi, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành), năm nay giá mía nguyên liệu có phần cao hơn mọi năm nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ mật mía.
Ông Vinh cho biết, trung bình mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường khoảng 40-60 tấn mật (chủ yếu là 5 tháng cuối năm), phục vụ thị trường các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
"Thu nhập chính là vào dịp Tết nên bà con đều cố gắng làm xuyên ngày đêm. Công nhân thì cũng mong có được khoản thu nhập để Tết ấm no nên cũng không quản ngại", ông Vinh nói.
Hiện tại, mỗi lò mật ở địa phương đang tạo việc làm cho 3-4 lao động, một người mỗi tháng thu nhập từ 8-12 triệu đồng. Năm nay, giá mía nguyên liệu tăng, sau khi trừ chi phí đầu vào và tiền lương công nhân, vụ mật này gia đình ông Vinh ước tính lợi nhuận đạt khoảng 50-60 triệu đồng.
Không chỉ được đem đi tiêu thụ khắp tỉnh, các thương lái xa gần còn tìm đến tận làng, xã để thu mua với giá bán lẻ 20.000 đồng/lít, bán sỉ 17.000-18.000 nghìn đồng/lít. Chính nhờ vào nghề này mà cuộc sống người dân Thạch Thành đang ngày một khấm khá và đổi thay từng ngày.
Một số hình ảnh ghi nhận tại "thủ phủ" mật mía Thạch Thành những ngày giáp Tết:
Cứ mỗi dịp Tết đến, làng nghề làm mật mía ở đây lại tất bật làm xuyên ngày đêm để có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường. |
Theo người dân địa phương, nghề làm mật mía ở Thạch Thành kéo dài quanh năm nhưng chính vụ là từ tháng 9 đến tháng Giêng (Âm lịch) năm sau. |
Mỗi vụ Tết, người dân ở “thủ phủ” mật mía cho ra lò hàng trăm tấn mật để phục vụ thị trường. Riêng vụ Tết, nhiều gia đình nơi đây có thể thu về từ 20-30 triệu đồng, hộ nào làm lớn có thể cho thu nhập 50-60 triệu đồng. |
Trước đây, khi chưa có sự trợ giúp của điện và máy móc công nghiệp, việc ép mía rất cực nhọc. Mỗi mẻ mật được chế biến qua nhiều công đoạn khác nhau, thời gian thường kéo dài từ 5-6 tiếng. |
Để chế biến được một lít mật là cả quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức, công đoạn vất vả nhất là ép mía. Theo những người thợ, trung bình một tấn mía nguyên liệu sau quá trình đun nấu sẽ cho ra một tạ mật thành phẩm. |
Quá trình nấu mật kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng, Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và phức tạp nhất. Người nấu phải đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật bị trào thì sẽ có màu đen và kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển qua sền sệt và có màu nâu vàng, công việc nấu mật mới hoàn thành. |
Mật mía ngon phải đảm bảo các tiêu chí sánh mịn, lên màu nâu sẫm như cánh gián, mùi thơm nhẹ và vị ngọt dịu khi ăn. |
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn