Số hóa

Xuất hiện lừa đảo trên Zalo, giả mạo bạn bè để mượn số tiền lớn

Giả mạo là bạn bè, nhắn tin mượn tiền trên Zalo vì đang bận việc, những kẻ lừa đảo đánh vào lòng tin của con người để chiếm đoạt tài sản. Đây là hình thức không mới nhưng đang biến tướng vô cùng nguy hiểm.

Tạo một tài khoản trùng với tên của bạn bè

Chỉ mới hôm qua 26/5, anh Nguyễn Trường Huy, giám đốc một chuỗi bán lẻ lớn ở Thanh Hóa đã bị một đối tượng giả mạo là bạn bè của anh và lừa đảo anh chiếm đoạt số tiền hơn 15 triệu đồng.

Anh Huy cho biết, hôm qua mới gặp cà phê cùng người bạn có tên là K.N. Sau khi chia tay ra về, trên đường về, một tài khoản có tên K. N yêu cầu kết bạn với anh trên Zalo. Nhìn vào hình avatar, nghĩ rằng đó là bạn thân mình nên anh đồng ý kết bạn. Trong chiều hôm đó, người "bạn thân" này nhắn tin qua lại và ngỏ ý mượn tiền vì trời đang mưa, không thể ra khỏi nhà để đi chuyển tiền được nên nhờ anh chuyển dùm. Tưởng rằng đó là bạn mình, anh Huy không mảy may chuyển tiền với 2 lần chuyển tổng cộng hơn 15 triệu đồng.

Tin nhắn của kẻ lừa đảo

Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, gọi cho người bạn này hỏi số tiền đã nhận chưa thì tá hỏa, người bạn này cho biết mình đâu có mượn tiền từ anh Huy.

Ngay lập tức, anh Huy đối chứng với tài khoản trên Zalo và tài khoản của bạn anh, mới giật mình đây là tài khoản giả mạo không phải là tài khoản mà bạn anh đang sử dụng. Đáng chú ý, các tài khoản ngân hàng chuyển tiền trong 2 lần đều là 2 người khác nhau, không có bất cứ tên trùng với tên của người bạn anh.

Anh Huy nói: "Thật sự bất ngờ về sự việc này, lừa đảo ngày càng tinh vi. Chắc chắn những kẻ lừa đảo đã tìm hiểu trước về bạn bè và người thân xung quanh người cần lừa đảo. Từ đó, mới tìm cách lừa tiền nhắm vào lòng tin của người bị hại. Thủ đoạn này thật mới và tinh vi".

Anh Huy cũng chia sẻ thêm, trong tối hôm trước, trên Facebook của bạn anh cũng up ảnh hai anh em ngồi uống bia với nhau. Chắc những kẻ lừa đảo này đã theo dõi và tìm hiểu trước khi ra tay.

Làm sao để tránh lừa đảo ngày càng tinh vi

Trước đó, có rất nhiều cảnh báo về việc nhiều đối tượng hack thành công tài khoản Facebook của người dùng và dùng nó để đi lừa đảo. Cụ thể, một số đối tượng lừa đảo trên Facebook sẽ nhắn tin cho bạn bè trong danh sách kết bạn, nhờ nạp card hộ với số tiền không lớn. Đối với tài khoản có tiếng tăm hơn (như người nổi tiếng, hay người có địa vị trong xã hội) sẽ hỏi mượn số tiền lớn.

Trao đổi với Dân trí trước đó, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành NTS, nhà phân phối Kaspersky tại Việt Nam cho biết, cơ chế lừa đảo này không mới, đánh vào lòng tin của con người. Để hạn chế việc này, cần thiết phải bảo vệ tài khoản an toàn, tránh click vào các nội dung không rõ nguồn gốc và trang web xa lạ trên mạng xã hội.

"Dạng lừa đảo này phần lớn là dùng để thu thập quyền quản trị của tài khoản Facebook, dùng nó để đi Like Page. Nghiêm trọng hơn là lấy tài khoản Facebook và suy đoán ra để chiếm tài khoản email. Người dùng hay dùng tài khoản và mật khẩu Google để đăng nhập Facebook nên họ mất thông tin là nguy hại tài khoản email. Hơn thế, hacker cũng có thể dùng tài khoản Facebook của nạn nhân để lừa bạn bè chuyển tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại". Ông Vũ nói.

Tuy nhiên, lừa đảo này ngày càng biến tướng, không cần hack tài khoản mà tìm hiểu các thông tin trên internet, bạn bè của người đó. Từ đó tạo thêm tài khoản tương tự để lừa đảo. Do đó, lời khuyên được đưa ra, người dùng nên hạn chế chia sẻ nhiều thông tin đời tư của mình trên Internet. Đó sẽ là con dao hai lưỡi, giúp cho nhiều kẻ lừa đảo có thể trục lợi bất cứ lúc nào.

Đồng thời, hãy ngừng giao dịch trên internet, trước khi có những lời xin giúp đỡ mượn tiền, nạp card hộ... thì hãy liên hệ ngay đến bạn bè để đảm bảo rằng thông tin chính xác. Đây cũng là hành động để giúp cho nhiều người khác không bị lừa đảo vì sự mạo danh.

Nên thận trọng trước nguy cơ về mất tài khoản

Cách đây vài hôm, một số người dùng trên internet đăng tải cách hack tài khoản thường của Zing Mp3 thành tài khoản Vip để sử dụng đầy đủ các tính năng. Đáng chú ý, cách hack này không phải "tấn công" vào ứng dụng do VNG cung cấp mà thông qua một ứng dụng khác được "xào nấu" lại mang tên Zing Mp3++. Đáng chú ý, khi cài đặt ứng dụng này, người dùng phải đồng ý một vài điều khoản do người lập trình ứng dụng này yêu cầu mới có thể sử dụng được. Sau đó phải đăng nhập tài khoản Zalo thông qua ứng dụng này mà không phải ứng dụng Zing Mp3 do VNG cung cấp. Như vậy có thể thấy, hacker đã khai thác được thông qua hệ thống đăng nhập của Zing Mp3. Điều này dấy lên những hoài nghi về việc hacker có thể chiếm được tài khoản của người dùng, nếu muốn!

Trao đổi với đại diện truyền thông của VNG, cho biết: "Ngay sau khi nhận được báo cáo, chúng tôi đã nắm thông tin và xử lí vấn đề này. Về việc đăng nhập bằng Zalo ID, dù là đăng nhập vào ứng dụng nào thì quá trình đăng nhập luôn được thực hiện và xử lí trên Zalo để đảm bảo an toàn cho người sử dụng".

Rất nhiều hướng dẫn hack tài khoản Zing MP3 trên mạng đang được lan truyền chóng mặt

Đại diện từ VNG cũng khuyến cáo, người dùng không nên tải các ứng dụng không rõ nguồn gốc vì sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho người dùng.

Ông Ngô Trần Vũ cũng khuyến cáo: "Việc đăng nhập các tài khoản vào những ứng dụng không rõ nguồn gốc luôn tiềm tàng những nguy cơ về bảo mật rất cao".

Ông Vũ giải thích, người dùng khi cài đặt một ứng dụng crack như vậy vào điện thoại là đã đồng ý cho hacker có quyền làm chủ thiết bị (quyền admin). Từ đó hacker có thể khai thác được ngay danh bạ của nạn nhân, gọi điện thoại vào các tổng đài hỗ trợ của nước ngoài để phát sinh cước dịch vụ, tấn công lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến... Các nguy cơ phơi nhiễm virus do cài ứng dụng crack đáng để người dùng phải cực kỳ cẩn thận khi cài đặt một ứng dụng vào thiết bị thông minh.

Có thể thấy, việc lừa đảo trên internet ngày càng tinh vi và biến tướng vô cùng nguy hiểm. Người dùng nên cảnh giác và luôn đặt câu hỏi trước những vấn đề liên quan đến tài chính, thông tin cá nhân. Đừng bao giờ giao "chìa khóa nhà" của bạn cho bất cứ ai.

Tác giả: Gia Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP