Kinh tế

Xử lý nợ xấu: hãy thật thà với nhau!

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước đã công bố thì tổng nợ xấu xử lý được trong sáu tháng đầu năm 2016 là 59.700 tỉ đồng. Nhìn vào cơ cấu xử lý nợ xấu thì có khoảng 8.800 tỉ đồng là bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); 30.980 tỉ đồng là khách hàng trả nợ; trong khi chỉ có khoảng 7.240 tỉ đồng là dùng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.


39e2e no xau
Thời gian qua, nguồn lực của Chính phủ đã được dùng để cứu hệ thống ngân hàng một cách gián tiếp qua việc khoanh nợ, xóa nợ những khoản vay do Chính phủ chỉ định cho vay. Ảnh: Tuệ Doanh

Nhìn thẳng vào sự thật về “thành quả” xử lý nợ xấu

Ở góc độ xử lý nợ xấu mà nói, thì khoản nợ xấu chuyển sang VAMC là một kỹ thuật làm đẹp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại và cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC hiện vẫn còn nhiều vướng mắc nên không thể xem các khoản nợ xấu này đã được giải quyết dứt điểm mà chỉ là nợ xấu “tạm để đó”.
Điều đáng chú ý hơn là hai con số còn lại.

Trước tiên là con số 7.240 tỉ đồng xử lý từ dự phòng rủi ro. Đây là con số ít mập mờ hơn cả vì các ngân hàng dùng lợi nhuận làm ra để bù đắp cho tổn thất nợ xấu. Như vậy là xử lý dứt điểm (nếu giả sử con số trích lập dự phòng và lợi nhuận là “chất lượng cao”). Nhưng đây lại là khoản có tỷ trọng nhỏ nhất, chỉ chiếm khoảng 12% số nợ xấu xử lý được trong sáu tháng đầu năm.

Con số đáng nói nhất là gần 31.000 tỉ đồng khách hàng trả nợ, bởi vì nó chiếm hơn phân nửa số nợ xấu xử lý được. Câu hỏi cần được đặt ra là trong số này bao nhiêu là khách hàng vay nợ mới để trả nợ cũ. Kinh tế tăng trưởng tốt đến mức các ngân hàng thu hồi được đến hơn phân nửa các khoản nợ xấu trước đây hay sao? Nếu phần nhiều trong số đó là những khoản cho vay nợ mới để trả nợ cũ thì ngân hàng chỉ hoán đổi kỳ hạn nợ đã quá hạn sang một kỳ hạn nợ mới mà thôi.

Những phân tích này cho thấy thực tế thì nợ xấu chưa hề được xử lý ổn thỏa trong nhiều năm qua mà nó chỉ được chuyển kỳ hạn về tương lai và cất giấu dưới nhiều hình thức. Do đó, hiện tại, vấn đề của các ngân hàng không chỉ là xử lý quá chậm các khoản nợ xấu đã báo cáo mà còn là những tài sản chất lượng thấp có thể đột nhiên phải bị ghi giảm trừ trên bảng cân đối kế toán.

Nói thẳng ra, vấn đề hiện tại của một số ngân hàng không chỉ là thanh khoản hay nợ xấu thôi mà còn là vấn đề thiếu đảm bảo an toàn vốn thật sự. Nếu tính đúng chất lượng tài sản có rủi ro, e rằng nhiều ngân hàng chẳng thể đảm bảo mức hệ số an toàn vốn tối thiểu. Những con số an toàn vốn 9-10% được báo cáo có thể đang là những con số bị thổi phồng nhiều lần ở một số ngân hàng. Có những ngân hàng không khác gì là những “xác chết biết đi” hút lấy tiền huy động vốn trong dân nhưng không cách gì có thể làm ra đủ lời để bù cho những khoản tổn thất đã và đang diễn ra. Đó cũng là lý do vì sao mà ngân hàng tiền nhiều (như nhận định của tác giả Hải Lý trong bài Tiền nhiều, tiêu sao cho hết?, TBKTSG, 18-8-2016) mà lãi suất không thể giảm.

Dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu thực chất là đẩy tăng trưởng tín dụng

Như đã phân tích ở trên, chất lượng tài sản của một số ngân hàng có thể đã quá kém và khả năng xử lý nợ xấu tự thân của một số ngân hàng có lẽ là không thể được nữa khi công cụ VAMC hay trích lập dự phòng không theo kịp chiều hướng xấu đi của các tài sản hiện có của các ngân hàng đó.

Có thể Nhà nước buộc phải dùng tiền ngân sách để dọn dẹp sạch tàn dư của những “xác chết biết đi” này để chúng không tiếp tục hấp thụ vốn trong nền kinh tế, như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nếu vậy, hãy thật thà và thẳng thắn với người dân là trước đây sự nới lỏng tín dụng quá mức, các gói kích cầu kinh tế và sự buông lỏng quản lý đã đặt hệ thống ngân hàng vào tình huống bi đát hơn sự thật của các báo cáo và đã đến lúc phải dùng tiền ngân sách để vực dậy hệ thống ngân hàng. Thực tế, thời gian qua, nguồn lực của Chính phủ đã được dùng để cứu hệ thống ngân hàng một cách gián tiếp qua việc khoanh nợ, xóa nợ những khoản vay do Chính phủ chỉ định cho vay; mua lại với giá 0 đồng một số ngân hàng (mà thực tế là phải ôm lấy gánh nặng nợ của họ vì những ngân hàng này đã âm vốn)... Bây giờ chẳng qua là mạnh tay hơn, dùng tiền để bơm trực tiếp nhằm tái cấp vốn cho một số ngân hàng (mà nhiều khả năng là những ngân hàng đã cho nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả vay).

Đó chính là lấy chi tiêu công dưới dạng tái cấp vốn ngân hàng để thúc đẩy tín dụng hòng đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức mục tiêu.

Cái giá phải trả của giải pháp dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu này là dùng nguồn thu ngân sách (bao gồm tiền vay nợ của dân qua phát hành trái phiếu và vay nợ nước ngoài, tiền bán các doanh nghiệp nhà nước) để thúc đẩy tăng trưởng trong khi thành quả của tăng trưởng chỉ rơi vào tay một số người. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và Chính phủ đang phải giảm dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển và cho những dịch vụ công thì đây là một sự hy sinh phúc lợi của cả xã hội để đổi lấy tăng trưởng.

Ngành ngân hàng dường như đang ngày càng dựa vào lý luận “tôi quan trọng nên tôi có quyền làm liều”, “tôi to quá nên Chính phủ không thể để tôi có chuyện được”. Khi làm ăn nên, khi các vụ “đánh cược” của ngân hàng sinh lãi, các ông chủ ngân hàng chia cổ tức cao, lương thưởng ban điều hành cao ngất ngưởng. Đến khi sụp đổ thì bảo vì lý do an toàn hệ thống và tăng trưởng kinh tế nên phải tái cấp vốn bằng tiền ngân sách. Điều đó chỉ chấp nhận được khi mà lợi ích tăng trưởng kinh tế chia đều cho dân và người điều hành ngân hàng chịu giới hạn trần lương thưởng (vì họ được tiền của dân cứu).

Nhưng hiện tại, bất công trong thu nhập ngày càng lớn, dùng tiền ngân sách để cứu ngân hàng có thể dẫn đến sự phẫn nộ trong xã hội trong khi một bộ phận lớn dân chúng đang phải gánh thêm chi phí y tế, giáo dục tăng. Xử lý nợ xấu để giải phóng nguồn lực tăng trưởng như vậy có thỏa đáng không?

Trả lời câu hỏi này cần đặt nó vào trong bối cảnh hiện tại. Có nhất thiết phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu, giảm lãi suất và đẩy tăng trưởng tín dụng vào lúc này để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hay không? Nếu có ngân hàng nào trong tình trạng “cấp thiết” quá rồi thì mới bỏ tiền ngân sách ra tái cấp vốn cho nó, rồi xử lý mạnh tay những người chịu trách nhiệm gây tổn thất. Nhưng ngân hàng nào chất lượng tài sản còn tốt, còn làm ăn sinh lời được để lấy dự phòng bù nợ xấu, thì xin hãy trì hoãn việc mở hầu bao ngân sách.

Và, ai đảm bảo kéo lãi suất và khơi thông dòng vốn tín dụng thì sẽ không hình thành lại những bong bóng tài sản chỉ làm lợi cho một số ít người và hình thành một lớp nhà giàu mới trong khi người nghèo phải oằn lưng gánh nặng thuế, phí và phải tăng chi tiêu cá nhân cho y tế, giáo dục?

Tác giả bài viết: Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol, Anh)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP