Số hóa

Xu hướng mới: Dùng trí tuệ nhân tạo để duyệt bình luận, chặn gián điệp

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua. Năm 2017, những nhân vật nổi tiếng từ Elon Musk đến Mark Zuckerberg đều không ngừng nói đến trí thông minh nhân tạo. AI đang là trợ thủ cho người dùng Internet trong kỷ nguyên số hiện nay.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI đang cho thấy những bước tiến lớn trong một vài năm gần đây, khi liên tục giành chiến thắng trước con người trong các bộ môn yêu cầu chiến thuật, tư duy logic. Trí tuệ nhân tạo AI tiếp tục thể hiện năng lực của mình khi mới đây lại tiếp tục thắng thế so với con người ở lĩnh vực ngôn ngữ vốn từng là lợi thế của con người. Một mô hình học máy do Tập đoàn Thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba chế tạo đã ghi điểm cao hơn con người trong cuộc sát hạch quy mô lớn về đọc hiểu trong hơn 100.000 câu hỏi ở Trường ĐH Stanford (Mỹ). Cụ thể mô hình học máy đã đạt 82,44 điểm so với 82,304 của con người.

Trí tuệ nhân tạo không còn là điều quá xa vời trong các bộ phim viễn tưởng nữa mà đã được các hãng công nghệ nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng để đưa vào các sản phẩm của mình. Thậm chí ngay cả smartphone cũng được tích hợp trí tuệ nhân tạo để trở nên hiểu người dùng hơn. Những chiếc loa di động của Amazon, Google và kể cả Xiaomi tưởng như chỉ việc phát nhạc nhưng cũng đã được trang bị AI để có thể hiểu được giọng nói, mệnh lệnh và thói quen của người dùng. Đó là lý do mà Giám đốc điều hành của Apple khẳng định rằng trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi thế giới. Apple đã lần đầu tiên tích hợp trí tuệ nhân tạo vào smartphone của hãng thông qua chip xử lý A11 Bionic mới nhất do chính hãng phát triển. Bkav đưa trí tuệ nhân tạo vào Camera của Bphone để giúp chụp ảnh đẹp hơn. Huawei, Oppo cũng đã đưa trí tuệ nhân tạo lên bộ vi xử lý cho smartphone mới của mình.

Trí tuệ nhân tạo được đưa vào smartphone để hiểu người dùng hơn.

Điều thú vị là AI đang có một vai trò rất lớn trong môi trường Internet. Từ giữa năm 2017, tờ báo hàng đầu thế giới New York Times đã dùng trí tuệ nhân tạo để duyệt bình luận cho trang điện tử của mình. Gã khổng lồ Google đã sử dụng một công cụ tiên tiến mang tên Perspective, giúp đỡ New York Times kiểm duyệt bình luận trên các bài báo mạng nhằm ngăn chặn những nội dung xấu. Nhờ đó, biên tập viên duyệt bình luận của New York Times có thể kiểm duyệt nhanh hơn so với trước đây. Tuy vậy, trí tuệ nhân tạo không hoàn toàn thay thế con người ở khâu kiểm duyệt bình luận này. AI cho phép người kiểm duyệt biết được nội dung của bình luận, chỉ ra những nội dung thù hận, quấy rối hoặc bất cứ điều gì được xác định là độc hại. Việc của các kiểm duyệt viên là xuất bản hay bỏ qua những bình luận đó.

Trước đây, khoảng 10% bình luận của độc giả trên New York Times được hiển thị do chỉ có 14 người làm công việc kiểm duyệt trong khi có tới 12.000 bình luận mỗi ngày trên các bài bá. Với công cụ này, những kiểm duyệt viên có thể sàng lọc khoảng 25% số bình luận được gửi lên New York Times. Tờ báo này cũng đặt ra mục tiêu 80% các bài viết có phần bình luận ở cuối để tăng tính tương tác với độc giả.

New York Times đã sử dụng AI để duyệt bình luận cho các bài báo điện tử của mình.

Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo cũng đã được giới công nghệ tích hợp vào trong phần mềm bảo mật. Tại Việt Nam, mới đây, tập đoàn công nghệ Bkav cũng đã chính thức tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong phần mềm diệt virus Bkav 2018. Trí tuệ nhân tạo trong phần mềm sẽ tự động phân tích, phát hiện sớm các mối nguy hiểm, diệt virus, chống phần mềm gián điệp, bảo vệ dữ liệu, tài khoản. Phần mềm này cũng bảo vệ người dùng trước các loại mã độc đào tiền ảo.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav, cho biết: "Bkav 2018 tích hợp các công nghệ cao cấp mà chúng tôi đã phát triển hơn 10 năm qua, đồng thời được bổ sung trí tuệ nhân tạo sẽ là giải pháp mang tính đột phá, giúp người dùng ngăn chặn toàn diện các mã độc và biến thể mới xuất hiện liên tục”.

Lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam đang gây ra nhiều lo ngại cho người dùng trong thời gian qua. Theo thống kê, riêng trong năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng, tương đương 540 triệu USD, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016. Mức thiệt hại tại Việt Nam đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ở các nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, tội phạm mạng gây ra tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD mỗi năm.

Tác giả: Thanh Tân

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP