Nhân ái

Xót xa người mẹ dùng nhà tình nghĩa để "nhốt" 2 con bị tâm thần

Ở độ tuổi gần đất xa trời nhưng chưa một lần bà được hưởng niềm vui của tuổi già. Chồng tai biến nằm liệt giường, hai người con trai bị tâm thần do phơi nhiễm chất độc màu da cam từ bố nên hàng ngày bà lão phải gồng mình để chăm sóc. Anh con trai đầu cũng tạm gác hạnh phúc riêng tư, cùng mẹ lo cho bố và hai em.

Chúng tôi tìm đến căn nhà của bà Nông Thị Mộc (SN 1947) vào một chiều mưa tháng 5. Căn nhà gỗ nhỏ đơn sơ nằm nép mình giữa những ngôi nhà cao tầng, khang trang xung quanh. Từ đầu ngõ đã nghe thấy tiếng bà Mộc trong nhà phát ra, hết quát tháo rồi lại chuyển sang giọng dỗ dành hai người con trai mắc bệnh tâm thần. Hai người con trai ấy là Lục Văn Thành (SN 1979) và Lục Văn Thảo (SN 1980).

Bà lão 79 tuổi bên hai người con trai mắc bệnh tâm thần

Thấy người lạ đến, hai người đàn ông xấp xỉ tuổi 40 vội vàng tìm cách lẩn trốn. Người thì lấy chiếc chăn trùm kín đầu còn một người chạy nhanh xuống bếp, ngồi bó gối một chỗ, bà Mộc nói thế nào, cũng không chịu ló mặt. Gần đó, bên trong căn phòng tối om, chỉ độc thứ ánh sáng lờ mờ lách qua những khe ván hẹp, ông Lục Văn Út (SN 1943)- chồng bà Mộc giọng run run, khẽ rên những tiếng yếu ớt, đứt đoạn.

Bà Mộc quê gốc ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn, năm 18 tuổi bà tham gia dân công hỏa tuyến rồi gặp ông Út, người cùng quê. Yêu nhau được một thời gian thì đến năm 1965, ông lên đường nhập ngũ. “Theo như kể lại, ông ấy đánh giặc suốt một thời gian dài ở Quảng Trị, rồi mới hành quân băng qua Kon Tum, Gia Lai đến Đắk Lắk. Ngày ấy cả xã có 5 người đi, mà chỉ ông ấy may mắn sống sót trở về với mấy mảnh đạn trong người”, bà Mộc thông tin.

Một năm sau ngày ông lên đường nhập ngũ thì gia đình ông Út sang hỏi cưới bà Mộc. Bà bảo: “Ngày ấy không biết chiến tranh bao giờ kết thúc, sợ ông ấy đi mà không trở về nên tôi không dám nhận lời. Đến năm 1970, vì ảnh hưởng của chất độc hóa học khiến ông ấy mắc hàng loạt căn bệnh, nên đơn vị cho ông ấy về nhà, chuyển ngành làm cán bộ tăng cường tại huyện ủy huyện Na Rì, lúc đó chúng tôi mới kết hôn”.

Năm 1978, vợ chồng ông bà sinh được người con trai đầu tiên và cũng là người duy nhất bình thường đến thời điểm này- anh Lục Văn Giang. Cũng trong năm đó, tình hình biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp, ông nhận được lệnh tái ngũ, tham gia huấn luyện bộ đội ở các tỉnh biên giới cho đến năm 1980.

Chiến tranh kết thúc, ông được phục viên, về quê làm kinh tế. Những tưởng gia đình sẽ được hưởng hạnh phúc sau thời gian dài cống hiến cho cách mạng, nhưng cuộc sống quê nhà khó khăn buộc ông bà phải dắt díu vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, với mong muốn thoát cảnh nghèo túng, con cái được ăn học đàng hoàng.

Năm 1995, gia đình bà Mộc chọn nông trường 718 (tỉnh Đắk Lắk) định cư. Ngày ấy anh Thành, anh Thảo được bố mẹ cho đi học, bạn bè thầy cô ai cũng yêu quý vì học giỏi nhất nhì lớp. Ấy vậy mà niềm vui chẳng tày gang, sau một cơn sốt thập tử nhất sinh, anh Thành từ một đứa trẻ thông minh, hoạt bát trở lên lầm lũi, cáu gắt, rồi hóa điên, hóa dại.

Vì sợ anh Thảo bỏ đi mà chết đường chết chợ, bà Mộc buộc lòng phải xích chân con lại

Nói đoạn, bà Mộc chỉ tay về anh Thảo, người đang bị xích chân ở góc nhà, giọng chua chát: “Thằng ấy cũng vậy, lúc trước thông minh, lanh lợi bao nhiêu thì bây giờ khù khờ, làm tôi khốn khổ bấy nhiêu. Giờ trong người nó không biết bao nhiêu là thứ bệnh, nào là suy thận giai đoạn cuối, viêm gan B, viêm phổi nên tôi phải xích chân lại, nếu chết thì cũng chết ở nhà chứ không chết bờ, chết bụi được. Mới hôm qua, nó bỏ đi cả đêm, tôi đi tìm mãi mà không thấy, trưa nay có mấy người mang nó về đặt trong nhà, tay chân đầu tóc rũ rượi, tôi lại tưởng nó đi rồi”.

Tiếp tục dòng ký ức về những năm tháng vật lộn trên mảnh đất nắng gió Tây Nguyên. Hơn 5 năm vào vùng kinh tế mới, gia đình không khá lên, bao nhiêu tiền của đều dành để chữa trị con trai, nên đến năm 2001, ông Út rủ một người đồng đội cũ sang Đắk Nông khai hoang rồi đưa cả nhà sang đây sinh sống.

“Vậy mà tai ương vẫn không chịu buông tha chúng tôi. Năm 2004, cả nhà đang làm rẫy thì nhận được tin căn nhà gỗ của chúng tôi gặp hỏa hoạn. Vội vàng chạy về thì ngôi nhà đã cháy rụi, bao nhiêu hồ sơ, giấy khen, huy chương của hai vợ chồng cũng cháy hết. Đến năm 2008, đứa con trai út đang đi làm thì bị cây đổ, đè chết ngay trên đường. Cú sốc quá lớn khiến ông nhà tôi ngã quỵ luôn lúc đó. Nằm liệt giường một thời gian, kèm theo di chứng của chất độc hóa học nên ông ấy lở loét khắp người”, bà Mộc nước mắt lưng chừng.

Từ một đứa trẻ thông minh, hiếu động anh Thành bỗng hóa điên, hóa dại do ảnh hưởng chất độc màu da cam

Kể từ ngày con trai út chết, chồng tai biến nằm liệt giường, bà Mộc cùng người con trai đầu ra sức cày cuốc mong sao kiếm đủ tiền thuốc thang cho cả 3 người. Anh Giang cũng tạm gác niềm vui riêng, không màng đến chuyện lập gia đình mà vùi đầu mưu sinh.

Người đàn ông nói giọng trách móc: “Nếu như có đủ tiền đưa bố đi giám định ảnh hưởng chất độc màu da cam thì có lẽ cuộc sống gia đình tôi cũng bớt nhọc nhằn. Khốn nỗi, người ta yêu cầu phải ra tận Đà Nẵng, mà ông cụ lại nằm liệt giường, trong khi đó mẹ tôi không thể một mình chăm lo cho hai đứa em tâm thần được. Lần lữa bao năm nay nên ông cụ và hai em tôi vẫn chưa được nhận trợ cấp gì”.

Được biết, năm 2010, ông Út được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, trước đó ông được trao tặng Huân chương chiến sĩ vẻ vang và Huy chương chiến sĩ giải phóng. Riêng bà Mộc, trong quá trình công tác và làm chính trị viên xã đội, bà cũng nhận được 13 bằng khen, giấy khen các loại.

Trời về chiều, mưa càng nặng hạt, dưới chiếc giường nơi ông Út nằm nước đã chảy thành dòng, bà lão 70 tuổi đưa mắt nhìn chồng, nhìn con rồi nói giọng chắc nịch: “Chúng tôi đi cách mạng không phải để chờ nhà nước đền đáp. Hồi ông nhà còn khỏe, vợ chồng chúng tôi chưa một lần đề nghị đến việc làm giấy tờ để hưởng trợ cấp. Nhưng cảnh nhà khánh kiệt, mai này tôi với ông ấy chết đi thì chỉ khổ cho hai đứa con ngây dại”.

Cú sốc mất con cùng với biến chứng của chất độc hóa học khiến ông Út chỉ biết nằm một chỗ chờ chết

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết, năm 2016, chính quyền địa phương đã xây tặng cho gia đình một căn nhà tình nghĩa và tặng một con bò. Tuy nhiên, được một thời gian con bò này cũng chết và căn nhà tình nghĩa hiện được dùng để “nhốt” anh Thảo.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2550:Nông Thị Mộc (Thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông)

Số ĐT bà Mộc: 01678.546.842

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP