2 cô gái bị chụp lén ở phòng gym
Vừa qua, mạng xã hội xôn xao câu chuyện một cô gái trẻ bị người đàn ông chụp lén trong phòng gym. Khi bị phát hiện, người đàn ông này cũng không thành tâm xin lỗi và nói: "Anh giỡn mà, anh đâu có làm gì nữa đâu".
Theo tin tức trên Thanh niên, sự việc diễn ra vào ngày 22/8 ở một phòng gym có tiếng tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Người bị chụp lén là N.T.T (21 tuổi).
T. kể, khi đang đứng rót nước để chuẩn bị cho buổi tập luyện thì có cảm giác người đàn ông chụp lén mình. T. đã nhanh trí báo cho một vài người bạn tập cùng để quan sát đối tượng chụp lén.
“Mình đã dừng lại vài phút để xem người này có động thái gì tiếp theo và phát hiện ra anh ta gửi hình ảnh vừa chụp lén vào một nhóm trên Zalo kèm dòng tin nhắn: 'Hàng này được không anh ruột'. Người chị tập cùng với mình đứng gần đó đã quay lại được khoảnh khắc này để làm bằng chứng”, T nói.
T. đã tiến đến hỏi chuyện và người đàn ông này xác nhận là có chụp lén. “Mình hỏi anh ta tại sao không quen biết và cũng chẳng phải là thành viên của nhóm chat đó mà lại chụp ảnh rồi gửi vào đấy. Người đàn ông nói chỉ chụp gửi vào hội để giỡn với bạn chứ không có ý làm gì mình. Sau đó, anh ta thu hồi hình ảnh trong nhóm. Tuy nhiên, thái độ của người đàn ông này không hợp tác, chưa có lời xin lỗi nào tử tế nên mình đã báo với lễ tân của phòng tập nhờ họ xử lý”, T cho biết thêm.
Vào ngày 23/8, đại diện phòng gym đã liên hệ để trấn an tinh thần của cô, đồng thời đưa ra hướng xử lý sẽ trình lên cấp trên để khóa tài khoản của người đàn ông trong đoạn clip.
Người đàn ông chụp lén 2 cô gái, gửi vào nhóm với dòng tin nhắn nhạy cảm. (Ảnh: Dân trí) |
Sử dụng hình ảnh cá nhân phải được đồng ý
Luật sư Nguyễn Đức Hoàng cho biết trên Dân trí, khoản 1 Điều 32 BLDS 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh có nêu rõ rằng cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Trong khoản 1 và 2 Điều 38 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý,
Hành vi quay lén, chụp lén là vi phạm quy định của pháp luật, cụ thể là vi phạm về quyền nhân thân và quyền bí mật đời tư của cá nhân. Người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết trên Thanh niên, từ trước đến nay, hành vi quay lén hoặc làm rò rỉ hình ảnh cá nhân của người khác là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm, đối tượng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.
Theo các luật sự, về trách nhiệm dân sự, nếu hành vi chụp lén, quay lén gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị chụp lén, quay lén thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật tại Điều 592 BLDS 2015 về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Về trách nhiệm hành chính, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định 15/2020/NĐ-CP), hành vi nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn