Tham dự hội thảo là các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, chuyên gia về lĩnh vực giáo dục người lớn và học tập suốt đời.
Năm 2015, thành phố Hải Dương đã đăng ký với UNESCO trở thành thành phố học tập |
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 112/2005/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập đến năm 2010. Đến năm 2013, Quyết định 89/QĐ-TTg của Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020", trong đó khẳng định có 7 Đề án thành phần, cụ thể hóa những vấn đề cần phải làm để có được diện mạo đầu tiên của xã hội học tập ở Việt Nam.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học VN cho biết, trong 12 năm triển khai Quyết định 112 và 89 của Thủ tướng, TƯ Hội khuyến học VN đã hoàn thành nhiều công việc.
Cụ thể, từ năm 2007 đến năm 2009, tiến hành mô hình xã hội học tập ở VN bằng một Đề tài độc lập cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao. Đề tài đã đề xuất một mô hình lý thuyết về cấu trúc xã hội học tập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, được nghiệm thu và được phép triển khai ứng dựng.
Trong năm 2014 - 2015, xây dựng thành công Bộ tiêu chí đánh giá các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng dân cư (thôn, bản, tổ dân phố) học tập và đơn vị học tập theo Quyết định 281/QĐ- TTg. Chính phủ đã chuẩn y việc xây dựng các mô hình này trên địa bàn xã, phương, thị trấn.
Cho đến thời điểm này, trên địa bàn cấp xã hiện nay của VN đã vận động nhân dân xây dựng 5 mô hình học tập. Theo đó, hầu hết các xã, phương và thị trấn trong cả nước đã hưởng ứng tích cực cuộc thi đua xây dựng các mô hình này.
Được biết, giữa năm 2017, Bộ GD&ĐT đã chủ trương nghiên cứu mô hình thành phố học tập và mô hình công dân học tập. Trước đó, năm 2015, thành phố Hải Dương đã đăng ký với UNESCO trở thành thành phố học tập và hiện nay TP.HCM bắt đầu triển khai mô hình thành phố học tập.
Với Bộ tiêu chí đánh giá Thành phố học tập, tập thể nghiên cứu đã xác định nguyên tắc xây dựng Bộ tiêu chí. Theo đó, xác định Bộ tiêu chí Thành phố học tập ở VN với nội dung phù hợp với điều kiện phát triển xã hội học tập ở nước ta nhưng vẫn có được những chỉ số để UNESCO chấp nhận Thành phố học tập ở VN nằm trong mạng lưới thành phố học tập của thế giới.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, những điểm thiết yếu yêu cầu đối với Thành phố học tập là: Thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản đến đại học một cách bình đẳng cho mọi người; Thúc đẩy việc học trong gia đình và trong cộng đồng; Tạo điều kiện học cho công việc và tại nơi làm việc; mở rộng việc sử dựng các công nghệ học tập hiện đại; Tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập; xây dựng văn hóa học tập suốt đời.
Đặc trưng của công dân học tập là xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Các đại biểu cho rằng, những đặc trưng cơ bản của công dân học tập phải xác định trên cơ sở tham khảo mô hình công dân học tập của một số quốc gia, nhất là các quốc gia châu Á.
Vấn đề đặt ra mà nhiều đại biểu quan tâm là thành phố học tập, người dân học tập như thế nào?
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho hay, việc xây dựng thành phố học tập ở VN sẽ gặp nhiều khó khăn với nhiều quan niệm khác nhau vì Việt Nam vùng nông thôn rộng lớn. Bộ tiêu chí cần nói rõ khái niệm "Thành phố học tập" để áp dụng các vùng miền của Việt Nam từ các huyện để được ủng hộ.
Với "Công dân học tập" nhiều ý kiến cho rằng, đảng viên trước hết là công dân học tập.
Các ý kiến hội thảo tập trung góp ý để hoàn chỉnh bước đầu về Bộ tiêu chí đánh giá Thành phố học tập và những đặc trưng cơ bản, mong muốn đối với công dân học tập.
Khi Chính phủ phê duyệt Bộ tiêu chí này thì sẽ được triển khai thí điểm vào năm 2019.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí