Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần XXII. |
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Đà Nẵng là địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Trong nhiệm kỳ qua, giữa bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, nhất là tập trung khắc phục những khuyết điểm, sai phạm sau các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, thực hiện các bản án đã có hiệu lực pháp luật; đặc biệt là năm cuối nhiệm kỳ, TPphải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP vẫn luôn kiên cường, thực sự là một Đảng bộ mạnh, không chùn bước trước khó khăn, vững vàng đi lên, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực; từ công tác xây dựng Đảng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII. |
Giai đoạn 2016-2019, kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển, nổi bật trong đó là các ngành dịch vụ, nhất là du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Đặc biệt nhiệm kỳ qua, Đảng bộ TP đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14, ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là các văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển, tạo động lực để Đà Nẵng bứt phá đi lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên một số mặt vẫn còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy chưa thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ đã dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm đến mức thi hành kỷ luật…
Kinh tế TP tuy có tăng trưởng nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đạt yêu cầu của một đô thị động lực phát triển của khu vực miền Trung (với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm 1,65% cả nước), chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng cũng như phát huy lợi thế mà thành phố đang có… An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Với những hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Đại hội phát huy tinh thần dân chủ, đề cao trách nhiệm của mỗi đại biểu, thảo luận phân tích kỹ, làm rõ thêm nguyên nhân chủ quan, khách quan và đóng góp với Đại hội những giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ tới.
Phó Thủ tướng Thường trực đưa ra 5 vấn đề them chốt để Đại hội lưu ý, thảo luận |
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đưa ra các vấn đề để Đại hội lưu ý, thảo luận: Một là, Đảng bộ thành phố cần quán triệt và xác định công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong trong đổi mới là mục tiêu, nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ đến.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực sự khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách nhất quán, cơ chế hành chính thông thoáng và minh bạch, chính quyền luôn sẵn sàng đối thoại và đồng hành cùng doanh nghiệp;
Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút các dự án có chọn lọc phù hợp với Nghị quyết của Trung ương và Luật Đầu tư mới, phù hợp với quy hoạch ngành nghề thành phố, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Đà Nẵng cần nỗ lực để tiếp tục giữ vững thứ hạng cao trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nhưng không chỉ là con số mà cần đi vào thực chất hành động bằng việc triển khai các chính sách cụ thể nhằm từng bước gỡ bỏ các rào cản trong quá trình đầu tư.
Ba là, Đảng bộ cần tập trung dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển.
Đà Nẵng cần chú trọng đầu tư cho giáo dục - đào tạo và y tế, không chỉ phục vụ cho người dân thành phố mà nơi đây phải là trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên;
Trước mắt, phối hợp tiến hành xây dựng và sớm đưa dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng vào hoạt động; sớm nghiên cứu, đề xuất Trung ương thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng; nghiên cứu xây dựng Bệnh viện nhiệt đới; đầu tư mở rộng hệ thống y tế của TP; nâng cao năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị các loại dịch bệnh mới.
Bốn là, Đà Nẵng là địa bàn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của cả nước. Vì vậy, cần tập trung giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm một cách toàn diện, liên tục và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh;
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; theo dõi, nắm chắc tình hình, quản lý thật tốt địa bàn, hoạt động của người nước ngoài, không để bị động, bất ngờ, phát hiện xử lý vấn đề nhạy cảm, kịp thời, không để phát sinh điểm nóng.
Năm là, tiếp tục củng cố mối quan hệ, phối hợp với các cơ quan Trung ương và đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển Vùng, đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, phải đưa 2 Nghị quyết này đi vào đời sống một cách thực chất và hiệu quả nhất;
Đồng thời, chủ động phối hợp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trên lĩnh vực đất đai.
Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực, mạnh dạn đề xuất với Trung ương có cơ chế đặc thù để phát triển “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, trong đó xác định Đà Nẵng là hạt nhân của chuỗi đô thị và là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam