Trong nước

“Xả lũ 5h chiều mới báo, chỉ mời bà con leo lên chỗ cao chứ biết đi đâu”

“5h chiều mới thông báo đến người dân, lúc đó trời tối, ba bề bốn bên người dân không biết đi đâu, nước ngày càng dâng cao. Chính quyền sở tại chỉ mời bà con trèo lên chỗ cao hơn chứ bà con đi đâu trong lúc trời tối như vậy…

Một nội dung nổi lên, làm “nóng” nghị trường trong phiên chất vấn sáng nay, 15-11, là vấn đề xả lũ thuỷ điện. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Dung (Điện Biên) đề cập: Chưa bao giờ người dân lại mỏng manh trước nhân tai và thiên tai đến thế. Những sai phạm trong quy trình vận hành các thuỷ điện như Hố Hô, An Khê... đã khiến người dân ngập tràn trong lũ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ xử lý việc sai phạm trên như thế nào?

“Việc thực hiện, rà soát quy hoạch thuỷ điện đến đâu? Những bất cập trong thời gian tới có được loại bỏ không? Người dân liệu có được sống trong môi trường an lành không?” – đại biểu chất vấn thêm.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước khi phiên họp Quốc hội khai mạc, Bộ Công thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có báo cáo dài gần 20 trang để báo cáo cụ thể về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội ở nhiệm kỳ trước. Trong đó bao gồm cả công tác quản lý về quy hoạch cho đến việc thông qua các chủ trương đầu tư quản lý các dự án đầu tư cũng như phân cấp quản lý các dự án thủy điện tại các địa phương trong; kể cả về đảm bảo an toàn của thủy điện cũng như trong quy trình xả lũ, các phương án đảm bảo chống lũ lụt ở hạ du… Ông đề nghị các ĐBQH có thể tham khảo thêm những nội dung này để nắm thông tin tổng thể chung về vấn đề thủy điện và hệ thống thủy điện tại Việt Nam.

Giải trình thêm, Bộ trưởng khẳng định, đối với thủy điện Hố Hô, thủy điện An Khê - Kanak và các thủy điện, chúng ta không phát triển bằng mọi giá. Đây là quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Về cơ bản, chúng ta đã khai thác hết những tiềm năng thủy điện lớn của đất nước, các thủy điện nhỏ và vừa chúng ta đã căn cứ theo chỉ đạo của Quốc hội trong Nghị quyết 62 để xem xét, đánh giá lại và đưa ra khỏi quy hoạch những dự án không đảm bảo và yêu cầu. Hiện nay có khoảng hơn 336 dự án thủy điện.


ĐBQH Trần Thị Dung

Để đảm bảo việc an toàn khi xả lũ cũng như vào mùa mưa lũ của các dự án thủy điện, Bộ trưởng nêu ra 3 yếu tố quan trọng:

Một là, phương án về phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở tại địa phương do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban và có phương án được phê duyệt tại địa phương và các chủ đập chủ thủy điện tham gia.

Thứ hai, về quy trình xả lũ có quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ quy định rõ ràng đối với đập thủy điện có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên, công suất từ 30 MW trở lên do Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt quy trình xả lũ của hồ thủy điện, còn dưới quy mô đó là do lãnh đạo của địa phương phê duyệt.

Thứ ba, các chủ đập thủy điện và các doanh nghiệp đều phải tham gia để cùng với địa phương xây dựng các phương án phòng, chống lũ ở hạ lưu và đảm bảo an toàn cho hạ lưu khi xả lũ.

Về nguyên nhân của việc xả lũ gây bức xúc trong nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, quy trình chúng ta có nhưng việc chấp hành thực hiện quy trình nhiều khi còn máy móc và nguyên tắc. Ví dụ như nguyên tắc của xả lũ, của hồ thủy điện thì chủ hồ, chủ đập thủy điện phải có nhiệm vụ thông báo cho chính quyền địa phương, cho bộ phận phòng, chống lụt bão của địa phương và các địa phương ở hạ lưu. Nhưng lại không nói rõ trong quy định là việc thông báo đó dưới những hình thức nào và đảm bảo yêu cầu như thế nào nên nhiều khi chủ đập, chủ thủy điện có thông báo nhưng không thông báo đầy đủ đến tất cả do những lý do mất điện, thậm chí đánh kẻng báo động, nhưng lại không nghe thấy, dẫn đến có sự phối hợp chưa tốt giữa các chủ đập thủy điện với chính quyền các địa phương, đặc biệt trong các phương án phòng, chống lụt bão được phê duyệt.

Thứ hai, trên thực tế có các phương án phòng, chống lụt bão nhưng không tổ chức thực hiện ở tại các địa phương, dẫn đến tình trạng trên thực tế khi có sự cố xảy ra thì việc thực hiện tổ chức đó không đảm bảo hiệu quả. Sự chủ động giữa chủ đập thủy điện, các dự án của các nhà máy với địa phương không được đảm bảo, thậm chí trong trường hợp như của Hố Hô vừa rồi khi chủ đập thủy điện báo cáo gọi điện thì lại không nghe máy…

Thứ ba, hệ thống quan trắc các thuỷ điện không đảm bảo, chưa được đầu tư đúng mức để theo dõi, chủ động phòng chống lụt bão và phối hợp xả lũ.

Tới đây Bộ Công thương sẽ tổ chức tổng kiểm tra rà soát, đánh giá toàn bộ quy trình xả lỹ cũng như phương án phối hợp phòng chống lụt bão ở hạ du; đánh giá việc đảm bảo an toàn thuỷ điện khi xả lũ; làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia như chính quyền địa phương, chủ đập, doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có sự vi phạm pháp luật thì sẽ xem xét cấm tham gia hoạt động, rút giấy phép các dự án…


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐBQH Trần Thị Dung tiếp tục tranh luận: Việc xả lũ bất ngờ vừa rồi tại An Khê lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai không biết. Vấn đề này không mới, năm 2013 tôi đã chất vấn về chính thủy điện An Khê và cho đến nay càng ngày càng trầm trọng hơn. Trước vùng lũ như vậy, 5h chiều mới thông báo đến người dân, lúc đó trời tối, ba bề bốn bên người dân không biết đi đâu, nước ngày càng dâng cao. Chính quyền sở tại đó là UBND cấp phường, xã chỉ nói mời bà con trèo lên chỗ cao hơn, bà con đi đâu trong lúc trời tối như vậy…

“Chúng tôi đã có rà soát kiểm tra, báo cáo Thủ tướng vấn đề xả lũ của Hố Hô. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ báo cáo không được biết, chúng tôi có kiểm tra. Trên thực tế có báo cho Uỷ ban phòng chống lụt bão của địa phương. Trong qúa trình làm, thuỷ điện Hố Hô có báo lãnh đạo của địa phương và các xã ở hạ du. Tuy nhiên có vấn đề mất điện và hiện trạng thực tế nên thông tin không đến đầy đủ được các xã. Các xã ở địa phương một số còn không nghe máy” – Bộ trưởng lý giải.

Nhưng ông cho rằng, bản thân quy trình cũng có vấn đề. Trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt các quy trình xả lũ…

Chỉ đạo cụ thể vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể, đánh giá nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm và đưa ra giải pháp thời gian tới.

“Đối với việc xả lũ thuỷ điện, quy trình có và Bộ Công thương khi kiểm tra có nhận sai phạm, đề nghị chấn chỉnh ngay” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Q.Vinh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP