Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ công bố sáng kiến thúc đẩy hợp tác phát triển, sản xuất và sử dụng các bộ dụng cụ xét nghiệm, vaccine và thuốc dùng trong phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị COVID-19, đài CNA đưa tin.
Hợp tác toàn cầu
Ngày 23-4, WHO thông báo tổ chức này sẽ công bố một "chương trình hợp tác mang tính bước ngoặc" để thúc đẩy các sáng kiến công nghệ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trong ngày 24-4.
WHO cho biết sáng kiến sẽ cho phép "mọi người trên toàn thế giới được tiếp cận những điều họ cần", song không cung cấp thông tin chi tiết hơn.
Theo CNA, sáng kiến có thể thành lập một kho dự trữ sản phẩm y tế để hỗ trợ các nước nghèo chống COVID-19, tương tự như kho dự trữ vaccine cúm mà WHO đang quản lý.
Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: REUTERS |
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc - ông Antonio Guterres cũng đã kêu gọi thế giới đoàn kết và xây dựng liên minh toàn cầu phát triển vaccine ngừa COVID-19. Dự thảo nghị quyết về đề xuất trên đã được nhận được sự đồng thuận của 164/193 thành viên Liên Hiệp Quốc, theo hãng thông tấn Prensa Latina (Cuba).
Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thông báo kế hoạch xây dựng sáng kiến thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, sản xuất và cơ chế phân phối vaccine công bằng giữa các nước, theo CNA.
"WHO cam kết đảm bảo rằng khi các loại thuốc và vaccine được phát triển, chúng sẽ được chia sẻ công bằng cho tất cả người dân và tất cả các nước", ông Tedros nói hôm 6-4.
"Trong lúc chúng ta đang tìm kiếm vaccine, trừ khi chúng ta phá vỡ các rào cản cản trở việc phân phối công bằng các sản phẩm - dù là vaccine hay thuốc đặc trị, chúng ta sẽ gặp vấn đề. Vì vây, chúng ta cần giải quyết trước vấn đề này", ông Tedros nói tiếp.
Lúc đó, ông Tedros cũng đánh giá cao đề xuất của Tổng thống Costa Rica, ông Carlos Alvadaro về một thỏa thuận chuyển giao và sử dụng bằng sáng chế chung liên quan tới các bộ xét nghiệm, vaccine và thuốc trị COVID-19. Ông Tedros cho biết WHO đang làm việc với Costa Rica để cụ thể hóa đề xuất trên.
Một quan chức ngoại giao châu Âu nói với hãng tin Reuters hôm 23-4 rằng ông Tedros rất ủng hộ đề xuất này vì "thách thức lớn nhất rõ ràng không phải là việc phát triển vaccine, mà là làm thế nào để triển khai chúng rộng rãi đến từng người dân".
Thử nghiệm vaccine, thuốc điều trị nhiều bước tiến
Hiện nay, quá trình phát triển vaccine ngừa COVID-19 đang có nhiều tiến triển. Mỹ, Trung Quốc và Đức đã cho phép thử nghiệm một số loại vaccine tiềm năng trên người. Nhiều nước cũng xem xét khả năng vaccine ngừa lao có thể hỗ trợ giảm nguy cơ nhiễm COVID-19.
Các nước cũng tích cực thử nghiệm phương pháp điều trị bằng huyết tương hoặc nghiên cứu nhiều loại thuốc tiềm năng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Một số loại thuốc đang được quan tâm là Remdesivir (từng được dùng trong dịch sốt xuất huyết Ebola), Kaletra (dùng trong điều trị Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải - HIV), Ciclesonide (dùng trong điều trị hen và viêm mũi dị ứng), Chlorophene (dùng trong điều trị sốt rét)...
Mới đây, một nhóm chuyên gia y tế Hàn Quốc kỳ vọng trong 3-4 tháng tới, thế giới sẽ tìm ra được thuốc chữa COVID-19, trong khi quá trình bào chế vaccine ngừa vaccine có thể tốn thời gian lâu hơn nhiều, theo báo South China Morning Post.
Dù chưa có thuốc đặc trị, các y bác sĩ trên khắp thế giới đã và đang nỗ lực cứu chữa cho các ca nhiễm COVID-19. Hơn 749.500 bệnh nhân đã được chữa khỏi, theo chuyên trang thống kế Worldometer.
Tổng số ca nhiễm đến 12 giờ 30 phút trưa 24-4 là khoảng 2.726.000 người. Trong đó, 191.063 người đã tử vong.
Tác giả: VĂN KIẾM
Nguồn tin: Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh