Thể thao

Wenger và người muôn năm cũ

Biết rằng sẽ đến ngày "Giáo sư" rời CLB, nhưng khi điều ấy xảy ra CĐV Arsenal không khỏi hụt hẫng và buồn bã.

Wenger nói rằng giờ là thời điểm phù hợp để ông chia tay Arsenal, sau 22 năm tận hiến vì CLB.

"Cách mạng", "Đột phá", "Duy mỹ" là những từ ngữ mà báo chí dùng để khen Pep Guardiola cùng Man City mùa này, nhưng thực ra, họ đều đã dùng để nói về Arsene Wenger từ hai thập kỷ trước. Năm 1998, khi Arsenal giành cú đúp - Ngoại hạng Anh và Cúp FA, Wenger đã được xem như một nhà truyền giáo.

Gary Neville nói sau khi Wenger thông báo chia tay Arsenal cuối mùa này: "Ông ấy đã tạo nên đối thủ đáng sợ nhất mà tôi từng đối đầu tại nước Anh. Đội hình 1998 của Arsenal thực sự tuyệt vời. Cách chơi của họ buộc chúng tôi cũng phải thay đổi theo. Bây giờ, Wenger xứng đáng với những lời từ biệt trân trọng nhất".

Wenger và Alex Ferguson chính là những khai quốc công thần, trong giai đoạn Ngoại hạng Anh thành hình và nỗ lực để theo kịp những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu khác. Nhờ có hai HLV này và cuộc tranh đua giữa họ, giải Ngoại hạng Anh đã thăng tiến vũ bão và dần trở thành giải bóng đá hàng đầu châu Âu.

Nhưng nếu Ferguson là một người thức thời, Wenger lại là một người theo đuổi trường phái lãng mạn. Ferguson viết ba cuốn tự truyện, cuốn sau bán chạy hơn cuốn trước, chính là vì nắm bắt rất tốt “thị trường” rồi tiến hành những điều chỉnh. Sau khi nghỉ hưu, Ferguson trở thành một diễn giả ở các trường đại học. Phương châm của ông – lãnh đạo chứ không huấn luyện – có thể áp dụng được vào rất nhiều lãnh vực trong đời sống. Về triết lý bóng đá, Ferguson thay đổi liên tục, tấn công mạnh mẽ trong giai đoạn đầu và thực dụng vô cùng trong giai đoạn sau. Thành công, vì thế, cũng theo ông cho đến ngày giải nghệ.

Wenger và Ferguson là những nhân chứng sống động cho hành trình vươn lên của Ngoại hạng Anh.

Còn Wenger thì khác. HLV Mircea Lucescu từng có một so sánh rất thú vị: "Arsene là nhà cầm quân quý tộc. Ông ta không từ tầng lớp lao động như Alex Ferguson, không hung hăng bẩm sinh như Jose Mourinho mà có phong thái vượt qua tất cả".

Wenger, trên thực tế, không sinh ra trong một gia đình quý tộc, nhưng trọn sự nghiệp cầm quân, ông luôn nỗ lực để vinh danh sự quý tộc. Wenger hội tụ những phẩm chất từng khiến nước Pháp được cả thế giới ngưỡng mộ: lãng mạn, hoài cổ và rất thượng lưu. Quan điểm huấn luyện của ông cũng khác với Ferguson. Ông xem cầu thủ như những học trò. Chữ "Giáo sư" mà chúng ta hay nghe báo chí gán cho ông có nghĩa là thầy giáo, chứ không phải một học vị.

Quan điểm của Wenger, như ông từng nhiều lần chia sẻ, là dạy cầu thủ cách chơi bóng còn quan trọng hơn cả cách chiến thắng. Nếu các HLV khác trên thế giới đề cao kỷ luật và hệ thống, Wenger lại luôn duy mỹ và đặt trọng tâm vào con người. Thành ra mới có một chuyện thật trớ trêu: từ tháng 9/1996 cho đến tháng 2/2014, Arsenal giành vô số những giải thưởng fair-play nhưng lại đồng thời là đội bóng có hồ sơ kỷ luật thuộc hàng tồi nhất, với 100 chiếc thẻ đỏ.

Wenger luôn thích các cầu thủ trẻ, vì ông luôn thích nhìn thấy họ tiến bộ. Khởi đi từ một đứa trẻ đá bóng trên đường phố, Wenger luôn nhắc nhở cầu thủ nhớ một điều: trước khi có tiền bạc, hợp đồng và những cám dỗ, thứ duy nhất khiến họ chơi bóng chính là niềm vui. Wenger từng nói: "Tôi luôn nghĩ mục tiêu của mọi thứ trên đời đều quy về một mối: ta phải cố làm nó tốt đến mức trở thành một nghệ thuật".

Xuyên suốt sự nghiệp, Wenger luôn ưu tiên việc phát triển các sao trẻ. Rất nhiều tên tuổi lớn đã trưởng thành, nhờ sự dìu dắt của ông.


Câu này được Wenger đúc kết sau một năm làm việc tại Nhật Bản, ở CLB Nagoya Grampus Eight. Wenger có cái lãng mạn rất nước Pháp, nhưng cũng có cái trầm mặc rất Nhật Bản. Ông ít khi trả lời phỏng vấn và coi công việc như lẽ sống. Wenger từng gây thương cảm khi chia sẻ: "Ferguson nghỉ hưu còn có mấy con ngựa, tôi thì có gì đâu". Rời Arsenal, Wenger có lẽ sẽ tiếp tục làm việc để còn được “sống”, nhưng ông hẳn sẽ rất nhớ chiếc ghế đã ngồi suốt 22 năm.

Wenger đã chuẩn bị cho ngày từ biệt "Pháo thủ". Ông từng nói: “Giữa tôi và thời gian là một mối quan hệ đầy lo toan. Tôi chiến đấu với nó, tôi sợ trễ giờ, tôi sợ mình không đủ thời gian để hoàn thành những hoài bão. Tôi không dám nhìn lại quá khứ, vì quá khứ đầy những hối hận, tương lai thì bất ổn, nên hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy trong hiện tại".

Nhưng bây giờ, Wenger phải chấp nhận hiện tại ấy không còn Arsenal nữa. Họng pháo kiêu hãnh của thành London sẽ không còn chàng Nã Phá Luân già vẫn chắt chiu từng gói thuốc nổ. Ta có thể gọi Wenger là gì đây? Một người trung thành, một ông lão cứng đầu, một nhà cách mạng, một kẻ sống sót giữa lò xay HLV, một người có "thói khổ dâm" như chính ông từng nói, hay đơn giản là tổng hòa của tất cả những điều ấy?

Hay Wenger chính là ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên năm nào, từng làm bao nhiêu người thuê viết chữ phải tấm tắc ngợi khen tài, vì hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay. Nhưng rồi thời gian lướt qua, những giá trị xưa - như ông đồ già - bỗng trở nên cũ kỹ. Wenger bị kẹt lại với quá khứ, với nội tâm duy mỹ không gì lay chuyển được. Thời đại kỹ thuật số, người ta cầm điện thoại lướt qua ông đồ già, chế giễu sự lạc hậu của ông. Wenger vẫn ngồi đó, nhìn giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu.

Wenger chia tay khi cảm thấy bất lực trong việc nâng tầm Arsenal hơn nữa.


Và rồi ngày ấy cũng đến, Wenger ra đi vì biết ông không thể giúp Arsenal mạnh hơn được nữa. Đấy là điều rất nhiều người muốn thấy, những người đã giễu cợt ông suốt mấy năm qua, những người đã trưng hashtag #WengerOut ở mọi nơi có thể. Nhưng cũng chính họ chắc chắn sẽ thấy buồn khi nhìn thấy một HLV khác ngồi ở chiếc ghế mà Wenger đã ngồi suốt 22 năm qua.

"Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ".

Tác giả: Hoài Thương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP