Đại tá Quách Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng, ngày 24-9 xác nhận đơn vị đang điều tra vụ việc liên quan đến việc vợ con tử vong, chồng nguy kịch khi du lịch ở Đà Nẵng.
Vụ việc nghiêm trọng
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Phan Minh Mẫn - Trưởng Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - cho hay do tính chất của vụ việc này hết sức nghiêm trọng nên đơn vị đã chuyển hồ sơ lên Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng tiếp tục điều tra. Trước đó, thượng tá Mẫn cũng cho biết công an đã chuyển hướng điều tra nguyên nhân vụ việc vào bên trong khách sạn do quá trình ăn uống của các nạn nhân không có sự trùng khớp.
Cũng trong sáng 24-9, Bệnh viện Đà Nẵng đã làm thủ tục xuất viện đối với người chồng - bệnh nhân Đặng Ngọc Vạn (SN 1989, trú tỉnh Nghệ An). Bác sĩ Võ Duy Trinh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng, xác nhận hiện các chỉ số về huyết, tạng của bệnh nhân Vạn hoàn toàn bình thường.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Vạn cho biết nguyện vọng của anh và gia đình là mong muốn công an nhanh chóng điều tra và tìm ra nguyên nhân cái chết của vợ và con trai. Anh Vạn cũng không đưa ra nhận định gì về nguyên nhân dẫn đến vụ việc và cho rằng nó thuộc về thẩm quyền của công an.
Trong chiều 24-9, phóng viên đã liên lạc với anh Nguyễn Kim T. (SN 1990, cha của bé Nguyễn Minh K., cũng tử vong vào rạng sáng 16-9 sau gần 1 tuần lưu trú tại khách sạn Hilary). Anh T. cho biết dù công an đã đề nghị nhưng gia đình không muốn đào xới sự việc, từ chối giám định và từ chối cả việc truy tìm nguyên nhân tử vong của bé K.
Anh Đặng Ngọc Vạn đã xuất viện vào trưa 24-9 |
Nhiều phòng niêm phong vì xịt côn trùng
Anh Đặng Ngọc Vạn kể chiều 14-9, vợ chồng anh cùng con trai 4 tuổi bắt xe từ TP Vinh, tỉnh Nghệ An, di chuyển vào TP Đà Nẵng để du lịch cùng với đoàn chung công ty. Trước khi đi, anh Vạn đã đặt phòng lưu trú cho cả đoàn tại khách sạn Hilary (128 Hồ Nghinh, quận Sơn Trà). Sáng sớm 15-9, đoàn có mặt tại khách sạn Hilary, nhận 4 phòng để cất hành lý rồi đi tham quan. "Lúc nhận phòng, tôi được biết khách sạn có khoảng 40 phòng nhưng chỉ 16 phòng sử dụng được. Lý do thì không rõ nhưng tôi và nhiều khách khác thấy nhiều phòng được niêm phong và dán bảng cấm vào trong do đang xịt thuốc diệt ruồi, muỗi" - anh Vạn kể lại.
Suốt trong thời gian từ sáng đến tối 15-9, gia đình anh Vạn và những người khác ăn chung nhiều lần nhưng không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, đến khoảng 3 giờ ngày 16-9, con trai anh Vạn bắt đầu nôn ói, vợ thì đi ngoài. Anh Vạn cũng thấy mệt mỏi, choáng váng nên cả gia đình dùng thuốc trị tiêu chảy. "Đến 6 giờ cùng ngày, tôi thấy mặt con trai tái nhợt nên gọi xe đưa vợ con đi cấp cứu, tôi khi đó cũng cảm thấy rất mệt. Sau đó tôi không biết gì nữa cho đến khi tỉnh lại ở bệnh viện" - anh Vạn buồn bã.
Trưa 24-9, chúng tôi đến khách sạn Hilary và thấy bên ngoài đã treo thông báo tạm ngưng nhận khách để sửa chữa.
Diệt côn trùng không cần xin phép Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết các khách sạn, nhà hàng muốn diệt côn trùng thì có thể thuê các công ty dịch vụ bên ngoài mà không cần thông qua Trung tâm Y tế dự phòng. Còn theo một lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP Đà Nẵng, các công ty tư nhân muốn hoạt động trong lĩnh vực diệt côn trùng thì phải bảo đảm các quy định do Bộ Y tế ban hành. Theo đó, Sở Y tế không cấp phép hoạt động mà chỉ công bố đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực diệt côn trùng nếu công ty đáp ứng đủ điều kiện quy định. Theo vị này, Sở Y tế TP Đà Nẵng mới chỉ công bố cho một công ty đến từ tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, cách đây vài tháng, công ty này đã tạm dừng hoạt động.
|
Tác giả: BÍCH VÂN
Nguồn tin: Báo Người lao động