Ngày 26-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại tá Lê Tấn Chính - Phó trưởng Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng - cho biết Công an quận đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự vào cuộc xác minh việc phóng viên tập sự Trần Văn Quyên (bút danh Vĩnh Quyên) của Báo Người Lao Động bị côn đồ hành hung.
Đánh người trước mặt công an
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng 14 giờ ngày 25-3, trước nhà số 555 Nguyễn Tất Thành (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) xảy ra vụ tai nạn giữa ôtô bán tải BKS 43C 12574 do ông Vũ Thanh Trọng (SN 1983; ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) điều khiển và ôtô 4 chỗ BKS 92A 13812 do anh Văn Phú Trung (SN 1997, ngụ tỉnh Quảng Nam) điều khiển.
Hình ảnh vụ tai nạn và việc nhóm thanh niên đến hành hung phóng viên Vĩnh Quyên. (Ảnh cắt từ clip) |
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, phóng viên Vĩnh Quyên cùng một số đồng nghiệp đến hiện trường ghi nhận thông tin. Trong lúc phóng viên Vĩnh Quyên tác nghiệp thì xuất hiện một nhóm 5 người xăm trổ, nói giọng Bắc, hùng hổ tiến đến ngăn cản, có hành vi đe dọa. Khi thấy phóng viên Vĩnh Quyên chụp hình, nhóm người này nhào tới, bẻ ngoặt tay phóng viên rồi đánh nhiều cú vào đầu. Điều đáng nói là mặc dù một số cán bộ công an phường Xuân Hà đến bảo vệ hiện trường vụ tai nạn lên tiếng can ngăn nhưng nhóm người trên vẫn không dừng lại, tiếp tục lột mũ bảo hiểm của phóng viên Vĩnh Quyên, kéo anh vào một quán nhậu cạnh hiện trường để đánh đập, gây thương tích. Ngoài hành vi hung hãn, tấn công phóng viên, nhóm thanh niên này còn buộc phóng viên Vĩnh Quyên mở điện thoại xóa hết hình ảnh vừa chụp.
Theo phản ánh của một số nhân chứng, các đối tượng tấn công phóng viên Vĩnh Quyên nghi có quan hệ với tài xế xe bán tải. Theo đó, ngay sau khi tai nạn xảy ra, nhóm người xăm trổ đã tới hăm dọa, ép anh Văn Phú Trung lên một chiếc ôtô khác rời khỏi hiện trường. Nhờ người dân chứng kiến vụ việc trình báo công an nên nhóm người trên đã chở anh Trung quay lại hiện trường.
Trong sáng 26-3, một người dân tên H. gọi điện đến VPĐD Báo Người Lao Động tại Đà Nẵng xác nhận có việc nhóm người lạ mặt đến ép buộc, chở anh Trung đi nơi khác. Ông H. còn bày tỏ thái độ bất bình khi những người này hành hung phóng viên Vĩnh Quyên ngay trước mặt lực lượng công an.
Trong khi đó, cả 2 phóng viên khác tác nghiệp cùng với phóng viên Vĩnh Quyên chứng kiến vụ việc đều khẳng định việc nhóm người ngang nhiên hành hung phóng viên trong lúc có mặt lực lượng Công an và CSGT là điều không thể chấp nhận. Anh H.H (phóng viên của một tờ báo thường trú tại TP Đà Nẵng) tường trình lại sự việc: "Nhóm người này bao vây anh Vĩnh Quyên, ép vào gốc cây trên vỉa hè. Vài giây sau, nhóm người yêu cầu anh Quyên đưa điện thoại ra để xem hình ảnh, buộc phải xóa hết hình ảnh liên quan đến vụ tai nạn. Khi anh Quyên trình bày mình là phóng viên tác nghiệp tại hiện trường thì nhóm người này vẫn túm cổ áo, đánh liên tục vào đầu anh". Còn theo lời kể của anh N.Q (phóng viên của một tờ báo khác), lực lượng công an xử lý vụ tai nạn cũng có mặt tại hiện trường nhưng nhóm người này vẫn hung hăng kéo phóng viên Vĩnh Quyên vào nhà hàng gần đó, tiếp tục đánh đập anh dã man.
Làm rõ trước ngày 28-3
Theo đại tá Lê Tấn Chính, Công an quận Thanh Khê cùng với Công an phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) đang khẩn trương điều tra vụ hành hung phóng viên Vĩnh Quyên. "Dù người bị đánh có là phóng viên hay là người dân thì cũng cần được làm rõ. Không phải muốn đánh ai là đánh được" - đại tá Chính nhấn mạnh.
Trong sáng 26-3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký công văn gửi giám đốc Công an TP Đà Nẵng, chủ tịch UBND quận Thanh khê, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND TP, giao Công an TP chủ trì, phối hợp với UBND quận Thanh Khê và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc, báo cáo lãnh đạo UBND TP trước ngày 28-3.
Thực hiện chỉ đạo, chiều cùng ngày, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Thanh Khê đã mời phóng viên Vĩnh Quyên lên trụ sở công an quận này để làm việc, lấy lời khai phục vụ điều tra. Sau quá trình làm việc kéo dài khoảng 3 giờ, Công an quận Thanh Khê đã đưa phóng viên Vĩnh Quyên sang Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng để khám và giám định thương tật. Tại đây, phóng viên được ghi biên bản và chụp ảnh, đồng thời thực hiện các bước khám nghiệm thương tích theo quy trình.
Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) nhận định vụ việc phóng viên Vĩnh Quyên của Báo Người Lao Động bị hành hung là rất nghiêm trọng và phức tạp. "Nhóm thanh niên này xâm hại đến hoạt động nghiệp vụ của báo chí, đã được Luật Báo chí 2016 quy định rất rõ" - luật sư Đỗ Pháp nhận định. Theo luật sư Đỗ Pháp, vụ việc này không phải xử lý đơn thuần mà căn cứ vào mức độ hành vi. Nếu sự việc đúng như phóng viên Vĩnh Quyên cùng các nhân chứng trình bày thì cho thấy nhóm người trên hết sức coi thường pháp luật và cần phải bị xử lý một cách nghiêm minh. Trường hợp nếu thương tích của bị hại dưới 11% nhưng người gây ra vụ việc có tiền án, tiền sự hoặc từng bị xử phạt hành chính thì cũng sẽ bị truy tố hình sự theo quy định tại điểm i, khoản 1, điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý Ngày 26-3, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã có công văn đề nghị lãnh đạo Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP HCM, Hội Nhà báo TP Đà Nẵng sớm có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng điều tra, làm sáng tỏ vụ việc, xử lý thích đáng các đối tượng đã tham gia hành hung, cản trở phóng viên Vĩnh Quyên tác nghiệp. "Việc nhóm côn đồ ngang nhiên hành hung, gây thương tích cho phóng viên Vĩnh Quyên trước mặt các cán bộ công an đang làm nhiệm vụ là hết sức nghiêm trọng, xem thường pháp luật, vi phạm Luật Báo chí 2016 và Bộ Luật Hình sự hiện hành. Nếu sự việc này không được xử lý đến nơi đến chốn, các đối tượng hành hung phóng viên không bị nghiêm trị thì sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm cho xã hội; tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người làm báo, nhất là những người trực tiếp tác nghiệp ngoài hiện trường sẽ tiếp tục bị đe dọa, uy hiếp" - công văn nêu rõ. Liên quan đến vụ việc, cùng ngày Hội Nhà báo TP Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Công an TP, Phòng PA 83 vào cuộc điều tra và có biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền hoạt động báo chí của phóng viên trên địa bàn TP Đà Nẵng. |
Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn tin: Báo Người lao động