Thế giới

Vũ khí đáng gờm của Kim Jong Un

Quy tắc số 1 trong quan hệ quốc tế là không được coi kẻ thù là gàn dở. Quy tắc số 2 là không đánh giá thấp năng lực của đối phương trong việc gây tổn thất lớn cho mình.

Theo báo Anh The Guardian, phương Tây hiện đang phạm cả hai sai lầm nêu trên về Triều Tiên. Ở một mức độ nào đó, lý do khá dễ hiểu.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un mừng vụ phóng thử một tên lửa tầm trung. (Ảnh: AP)


Về kinh tế, Triều Tiên đang trong tình trạng khó khăn. Theo CIA, tổng thu nhập bình quân đầu người ở Triều Tiên vào khoảng 1.800 USD, so với con số gần 40.000 USD ở Anh và 53.000 USD ở Mỹ. Cơ sở hạ tầng công nghiệp yếu kém còn dân chúng chịu thiếu thốn lương thực, điện, nhiên liệu.. triền miên. Cả quốc gia ngạt thở bởi một loạt đòn cấm vận quốc tế.

Tuy vậy, chính quyền Kim Jong Un vẫn đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân, và cả tên lửa để có thể bắn tới tận Mỹ. Ưu tiên của Kim Jong Un là tránh bị thay đổi chế độ, và ông biết rằng nếu Triều Tiên có vũ khí hạt nhân thì không ai có thể dám mạo hiểm. Bởi, rõ ràng là chỉ một động thái liều lĩnh của Mỹ cũng có thể dẫn tới cái chết của hàng trăm nghìn người Hàn Quốc.

Nhưng Kim Jong Un là một người rất lí trí. Ông còn khám phá nhiều cách thức gây thiệt hại với Mỹ và Hàn Quốc với rủi ro thấp. Và có một cách thức đang tỏ ra hiệu quả: các hoạt động không gian mạng, còn gọi là tin tặc.

Người Triều Tiên hiện nay chưa siêu đẳng về mạng như người Trung Quốc và người Nga. Tuy nhiên, họ đang đạt những bước tiến dài và nhanh chóng. Thực tế rằng nước này dù chỉ có khoảng 1.000 địa chỉ Internet nhưng vẫn gây thiệt hại lớn cho siêu cường Mỹ đã khiến cho nhiều người ở Washington phải nghiêm túc đánh giá lại.

Bằng chứng về năng lực hoạt động mạng của Triều Tiên ngày càng nhiều. Chẳng hạn, năm ngoái, các tin tặc Triều Tiên đã gần như thực hiện được vụ rút tiền ngân hàng lớn nhất trong lịch sử. Họ đã nắm trong tay khả năng "chôm" được 1 tỷ USD từ Cục Dự trữ liên bang New nhưng chẳng may lại phạm một sai lầm nhỏ: Yêu cầu rút tiền giả mạo viết nhầm “foundation” thành “fandation”. Tuy vậy, họ vẫn kịp rút 81 triệu USD.

Hai năm trước, các tin tặc Triều Tiên bị tình nghi thực hiện một cuộc tấn công khiến hãng Sony Pictures chao đảo. Họ đánh cắp hàng hàng nghìn tài liệu, xóa các trung tâm dữ liệu nội bộ và phá hủy 75% số máy chủ của công ty. Trong số những tài sản bị đánh cắp có các danh sách liên lạc, bảng lương, ngân sách làm phim, hồ sơ y tế, các số an sinh xã hội của nhân sự, các email cá nhân và trọn 5 bộ phim – trong đó có một bộ chưa công chiếu.

Tuy nhiên, đình đám nhất phải kể đến sự việc hồi tháng 9 năm ngoái, khi người Triều Tiên xâm nhập trung tâm dữ liệu quốc phòng của Hàn Quốc và đánh cắp nhiều tài liệu mật, trong đó có các kế hoạch hành động Mỹ-Hàn trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Điển hình là OPLAN 5015 – kế hoạch giải quyết một cuộc chiến tranh toàn diện với Triều Tiên, gồm cả các bước triệt tiêu ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng cùng kế hoạch cho trường hợp có sự thay đổi chính trị bất ngờ bên trong Triều Tiên.

Tất cả những bằng chứng trên cho thấy tầm nhìn chiến lược của Triều Tiên khi "xoay trục " sang các hoạt động không gian mạng. Nó chứng tỏ ông Kim Jong Un cùng các quan chức chính quyền hiểu rõ công nghệ số có thể biến điểm yếu kinh tế và công nghiệp thành điểm mạnh.

Hiện tại, Triều Tiên vẫn chưa có nhiều cơ sở hạ tầng số. Nhưng những gì đã và đang diễn ra cho thấy Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thực sự rất đáng gờm.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP