Xã hội

Vụ con dâu “khai tử” bố mẹ chồng còn sống: “Khó tránh được mọi cạm bẫy”

Liên quan đến sự việc “khai tử” hai người còn sống đang gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng Phòng công chứng Nguyễn Tú - thừa nhận “đó là một tai nạn” và khó tránh được tất cả mọi cạm bẫy khi người con dâu của ông Đỗ Văn Hợp chủ tâm thông tin không đúng để đạt mục đích.

Vào năm 2006, ông Nguyễn Thanh Tú là công chứng viên, Trưởng Phòng Công chứng số 3 Hà Nội xác nhận vợ chồng ông bà Đỗ Văn Hợp - Nguyễn Thị An (trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã chết theo yêu cầu lập di sản thừa kế của bà V.T.V (con dâu ông Hợp).

Sau khi "qua mặt" được công chứng, bà V.T.V đã bán toàn bộ nhà đất ở quận Tây Hồ và chuyển đi nơi khác sinh sống, khiến vợ chồng ông Hợp bức xúc vì bị mất quyền lợi hợp pháp và gửi đơn tố cáo con dâu tới cơ quan chức năng Hà Nội.

Ngày 24/8, ông Nguyễn Thanh Tú đã có buổi trao đổi với PV Dân trí về sự việc trên.

Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha).

“Quá tin vào văn bản giấy tờ người dân cung cấp”

- Phóng viên: Tại sao khi ấy không có giấy chứng tử của vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp - Nguyễn Thị An nhưng Phòng Công chứng số 3 Hà Nội vẫn xác nhận họ đã chết theo hồ sơ của bà V.T.V (con dâu ông Hợp) cung cấp?

- Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú: Tại thời điểm năm 2005-2006 thì tất cả các trường hợp khai di sản thừa kế theo di chúc thì công chứng viên đều tập trung vào việc xác định ai là người được hưởng di sản. Mặc dù di chúc của anh Đỗ Mạnh Tiến (con trai ông Đỗ Văn Hợp, chồng chị V.V.T) để lại toàn bộ tài sản cho vợ và hai cô con gái, nhưng theo Bộ luật Dân sự thì bố mẹ ruột của anh ấy là ông Hợp, bà An vẫn đương nhiên được hưởng một phần thừa kế.

Tuy nhiên do bối cảnh lịch sử lúc ấy, giấy tờ hộ tịch, chứng tử, khai tử, nhất là của người cao tuổi rất khó khăn để người dân cung cấp được nên khi công chứng viên hỏi thì được cả chị V.T.V và hai con gái khẳng định ông bà Đỗ Văn Hợp - Nguyễn Thị An đã chết ngày xưa nên không có giấy tờ gì. Họ cam đoan và chịu trách nhiệm về việc này và nếu có vấn đề gì sai sẽ bồi thường bằng chính tài sản của mình.

Chính vì niềm tin đó nên công chứng viên nghĩ rằng không có lý do gì mà cả con dâu và hai cháu nội lại kê khai thông tin bố mẹ chồng, ông bà nội “còn sống” thành “đã chết” cả.

Công chứng viên đã căn cứ vào hoàn cảnh thực tế, lời khai như thế nên đã gửi thông báo về UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) để xác minh, niêm yết công khai trong thời gian 1 tháng.

Không biết vì lý do gì mà thông tin ông bà Hợp-An đã chết theo lời khai của con dâu họ đã không được UBND phường Nhật Tân kiểm chứng. Sau 30 ngày họ vẫn trả lời rằng không có ai thắc mắc gì cả nên công chứng viên có niềm tin để xác nhận như vậy.

- Trong lá đơn gửi tới cơ quan chức năng TP Hà Nội, ông Đỗ Văn Hợp đặt ra nghi vấn về sự cấu kết giữa con dâu V.T.V, công chứng viên và cán bộ UBND phường Nhật Tân trong việc xác nhận vợ chồng ông bà đã chết để bán miếng đất tại phường Nhật Tân, gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của họ. Ý kiến của ông như thế nào về cáo buộc này?

- Theo tìm hiểu của tôi thì tại TAND quận Tây Hồ, chị V.T.V và hai cô con gái đã khẳng định không biết công chứng viên là ai cả. Bản thân họ cũng nói rằng họ chủ tâm cung cấp thông tin sai sự thật cho công chứng viên. Giữa họ và bố mẹ chồng đã chấm dứt quan hệ từ rất lâu rồi.

Còn cá nhân tôi thì trước đó tôi cũng chả biết họ là ai cả. Tôi làm việc vì lương tâm và trách nhiệm của mình. Đó là một tai nạn, tôi không lường hết được vì quá tin vào văn bản giấy tờ người dân cung cấp.

Lúc bấy giờ (năm 2006) đã có quy định trách nhiệm của người yêu cầu công chứng về tính trung thực, xác thực của thông tin cung cấp cho công chứng viên rồi. Sau này trao đổi thêm với ông Hợp tôi mới được biết chị V.T.V là Đảng viên, doanh nhân tiêu biểu đã được TP Hà Nội vinh danh. Bây giờ tôi mới nghĩ lại, một người như vậy không trung thực với chính người thân thích của mình thì là công chứng viên như tôi cũng khó tránh được sai sót trong câu chuyện này.

Vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn còn sống khoẻ mạnh nhưng từ năm 2006 đã bị con dâu kê khai thông tin di sản thừa kế là đã chết.

Vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn còn sống khoẻ mạnh nhưng từ năm 2006 đã bị con dâu kê khai thông tin di sản thừa kế là "đã chết".

Trách nhiệm thuộc về ai?

- Việc công chứng xác nhận sai tình trạng sống - chết của vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi hợp pháp của họ. Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm chính trong việc này sẽ thuộc về ai?

- Thuộc về chị V.T.V vì chị V. đã cam kết trong bản khai di sản thừa kế là không còn ai khác nữa được hưởng thừa kế từ chồng mình; nếu chứng minh được còn người thừa kế khác ngoài 3 mẹ con chị ấy thì chị V. sẽ bồi thường bằng tài sản của mình. Chị ấy cam kết bằng giấy tờ thì chị ấy phải bồi thường.

- Nếu nói như ông thì cơ quan nhà nước, mà cụ thể ở đây là Phòng Công chứng số 3 Hà Nội và UBND phường Nhật Tân dễ dàng bị “qua mặt” như vậy hay sao?

- Không phải dễ dàng. Thực tình thì hoạ hoằn lắm mới vấp phải rủi ro. Bây giờ thì đã có công cụ để kiểm tra ngay thông tin rồi nhưng những năm tháng đó niềm tin của người hành nghề công chứng với người dân không hẳn chỉ trên cơ sở pháp luật.

Thực sự tôi nghĩ không dễ gì "qua mặt" được bởi đã qua sàng lọc, niêm yết công khai thông tin 1 tháng trời ở UBND phường Nhật Tân rồi.

Nói vậy nhưng chúng tôi không đổ vấy cho ai cả, cũng nghĩ có một sự sơ suất trong này, quá tin vào trách nhiệm của người dân phải thực hiện nghiêm quy định trước pháp luật. Người dân xác nhận, cam kết thế, giả sử có trường hợp xảy ra thì họ phải chịu.

Tôi nghĩ rằng các cơ quan chính quyền và người làm công chứng như chúng tôi không thể và khó tránh được tất cả mọi cạm bẫy. Cạm bẫy ở đây không phải đồng tiền, mà là chủ tâm của người dân để đạt được chủ đích của họ, dù phải viết cam kết, cam đoan.

Sau khi nhận thông báo của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội, UBND phường Nhật Tân đã không xác minh thông tin vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp còn sống hay đã chết, dẫn tới câu chuyện ngày hôm nay.

- Vậy hợp đồng bán nhà đất của bà V.T.V dựa trên hồ sơ công chứng có thông tin không đúng sự thật có bị coi là giao dịch vô hiệu?

- TAND TP Hà Nội sẽ xem xét điều này dựa trên các quy định, có thể vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn bộ. Nếu công chứng viên bị chứng minh là có cấu kết qua những bằng chứng cụ thể, vì động cơ vụ lợi thì phải liên đới, ngoài trách nhiệm hành chính còn phải chịu cả trách nhiệm vật chất. Trong trường hợp này tôi có niềm tin trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc mẹ con chị V.T.V.

- Ở khía cạnh quản lý nhà nước, trách nhiệm của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội và cá nhân ông - công chứng viên như thế nào?

- Nếu hồi tố theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó thì khác bây giờ rất nhiều. Những năm tháng đó tôi là Trưởng Phòng Công chứng số 3 Hà Nội thì là trách nhiệm của công chức, viên chức. Tôi đã chuyển khỏi bộ máy viên chức nhà nước rồi nhưng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan làm rõ vấn đề này.

- Ông làm việc tại Phòng Công chứng số 3 Hà Nội trong thời gian bao lâu và ngoài vụ việc này còn "dính" tới vụ việc khiếu kiện nào khác hay không?

- Tôi làm ở đó từ năm 2000 tới cuối năm 2008. Cho đến giờ phút này tất cả công chứng viên không nói mạnh được đâu vì hồ sơ vẫn đang nằm đó. Nhưng với tôi thì vụ việc này đến nay là duy nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP