Tin địa phương

Vụ '21 lô đất đứng tên người Trung Quốc': Thủ tướng yêu cầu xử lý theo đúng pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng xử lý theo đúng pháp luật trước thông tin phản ánh '21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc'.

Thủ tướng yêu cầu xử lý việc người Trung Quốc đứng tên nhiều lô đất ở sân bay Nước Mặn - Ảnh: VGP

Theo Văn phòng Chính phủ cho biết, Báo điện tử Thanh niên ngày 20/9/2019 có bài viết: 21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc. Theo bài viết phản ánh, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn hiện có 246 lô đất. Trong số này, có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, trước đây giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho người Việt Nam; trong quá trình hợp tác làm ăn, người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần nên được đứng tên...

Về phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng xử lý theo đúng pháp luật.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu quốc hội TP.Đà Nẵng, cử tri Ngô Minh Hồng cho rằng hoạt động của người Trung Quốc trên địa bàn đang rất phức tạp, trong đó nổi lên việc núp bóng người Việt để mua đất ở khu vực ven biển. "Cơ quan chức năng phải có biện pháp cho vấn đề này", ông Hồng nói.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tô Văn Hùng, vừa qua Đà Nẵng đã rà soát các khu vực dự án và xác định 21 trường hợp người Trung Quốc có tên trong quyền sử dụng đất ở khu vực dự án đô thị dọc sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn).

"21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên do trước đây mảnh đất được cấp giấy chứng nhận cho người Việt Nam, nhưng quá trình khai thác, sử dụng người Trung Quốc đã dùng hình thức mua cổ phần, hoặc góp vốn để sau đó nhận chuyển quyền sử dụng đất", ông Hùng nói.

Vệt đất dọc sân bay Nước Mặn có mặt tiền là đại lộ Võ Nguyên Giáp, gồm 246 lô đất. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện đúng luật, còn "xác định có dấu hiệu người Trung Quốc núp bóng hay không là chức năng của cơ quan điều tra".

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng cho biết, trong số 21 lô đất có yếu tố người Trung Quốc, có một trường hợp là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores do doanh nghiệp Trung Quốc đứng tên thực hiện dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Hoàng Đạt, với 100% vốn nước ngoài.

20 trường hợp còn lại là dự án biệt thự dọc tường rào sân bay Nước Mặn (đất ở chia lô) trước đây thành phố thực hiện bán đấu giá và giao đất hoàn toàn cho cá nhân, tổ chức trong nước. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cá nhân và tổ chức này đã bán cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư Trung Quốc góp 49% vốn). Công ty này hoạt động như doanh nghiệp trong nước nên được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Cụ thể, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt trước đề tên người Việt Nam, trong phần ghi chú chuyển nhượng đứng tên công ty có vốn do người Trung Quốc góp. "Không có cá nhân người Trung Quốc đứng tên trên sổ đỏ", ông Hùng khẳng định.

Tác giả: Lam Thanh

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP