Với các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới, đây không phải là vấn đề, vì mỗi đội tuyển của họ, cụ thể là đội tuyển quốc gia và đội tuyển U22 (hoặc U23) được dẫn dắt bởi một HLV riêng, cũng như mỗi đội có lực lượng riêng.
Ở các nền bóng đá phát triển, cầu thủ sau khi đã thành danh, đã khoác áo đội tuyển quốc gia, thì không quay trở lại khoác áo các đội tuyển trẻ, các đội “U” nữa. Ví dụ như Messi, Tevez, Aguero (Argentina), Owen, Rooney (Anh) đều thành danh rất sớm. Sau khi đã thành sao, họ không tham dự các giải đấu trẻ nữa, mà chỉ tập trung phục vụ đội tuyển quốc gia, khi có yêu cầu, nhường sân chơi trẻ cho những cầu thủ chưa thành danh tìm cơ hội vươn mình.
Bóng đá Việt Nam hiện có một số đặc thù, nên chúng ta vẫn là một trong những nền bóng đá ít ỏi trên thế giới, duy trì cách tập trung đội tuyển theo kiểu “2 trong 1”, tức là lực lượng của đội tuyển quốc gia vẫn có nhiều gương mặt trong lứa tuổi U, cùng lúc làm nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia và đội U22 (hoặc U23). Đồng thời, HLV đội tuyển quốc gia cũng là HLV của đội U22 dự SEA Games.
HLV Park Hang Seo đối diện với bài toán khó khi vòng loại World Cup diễn ra sát với SEA Games (ảnh: Gia Hưng) |
Cách tập trung đội tuyển theo kiểu “2 trong 1” này hiện tại có thể giúp chúng ta có lợi cho trong một số mặt, đặc biệt là về vấn đề kinh phí: Thay vì thuê 2 chuyên gia ở 2 đội tuyển, chúng ta chỉ thuê 1, thay vì tập trung 2 đội tuyển riêng biệt, bóng đá Việt Nam chỉ cần tập trung 1 đội và lo kinh phí cho 1 đội, cho cả 2 mục đích.
Vả lại, bóng đá Việt Nam đang khao khát giành bộ HCV nội dung bóng đá nam SEA Games, sau những 60 năm chờ đợi bộ HCV này, nên cần gom tối đa lực lượng “săn” HCV Đông Nam Á vận hội.
Những nhà quản lý bóng đá nội hiểu rằng sẽ khó ăn khó nói với người hâm mộ bóng đá trong nước, nếu năm nay chúng ta bỏ qua thời cơ giành lấy ngôi vô địch bóng đá nam SEA Games.
Tuy nhiên, đấy là khi chúng ta chưa có vinh quang ở đấu trường SEA Games. Đặt trường hợp đội tuyển U22 Việt Nam của HLV Park Hang Seo giành ngôi vô địch Đông Nam Á vận hội, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải tính khác, có định hướng khác cho các đội tuyển.
Không phải ngẫu nhiên mà xu thế chung của toàn cầu, đặc biệt là với các nền bóng đá tiên tiến, họ chuyên biệt và rất rạch ròi giữa các đội tuyển: Đội tuyển quốc gia là đội tuyển quốc gia, đội trẻ là đội trẻ, không gộp chung.
Làm như vậy, các HLV dễ tính toán điểm rơi cho từng đội tuyển do mình huấn luyện, các cầu thủ cũng đỡ quá tải và sẽ chuyên tâm hơn trong việc tập trung cho từng đội tuyển.
Ngày trước, bóng đá Việt Nam chưa đặt mục tiêu tiến ra châu lục, vươn mình với thế giới thì không nói làm gì. Chúng ta ngày đó không hề xem trọng các kỳ vòng loại World Cup, chỉ quanh quẩn ở SEA Games.
Nhưng giờ thì khác, vị thế của bóng đá nội đã khác, mục tiêu cũng khác, nên định hướng cũng phải khác. Giờ chúng ta mới hiểu nỗi khổ của chuyện vòng loại World Cup có lịch thi đấu sát với SEA Games: Khổ cho người làm chuyên môn và khổ cho các cầu thủ khi gánh cùng lúc 2 nhiệm vụ song song nhau!
Không lẽ bóng đá Việt Nam cứ mãi đi bên rìa xu thế chung của bóng đá thế giới? Không lẽ chúng ta thấy bất cập mà không sửa?
Bài học của VĐV Ánh Viên trong môn bơi vẫn có lẽ sẽ có giá trị cho tất cả các môn thể thao đỉnh cao khác: Dễ mất định hướng và dễ chệch đường đi nếu giải đấu nào, sân chơi nào cũng chạy theo thành tích!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí