Tiềm năng lớn
Tại Hội thảo quốc tế Xúc tiến đầu tư và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại TP. Đà Nẵng chiều 11/9, ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, công nghệ thông tin, kinh tế số, chuyển đổi số được xác định là 1 trong 5 mũi nhọn để phát triển kinh tế Đà Nẵng đến 2030 và xa hơn. Trong thu hút đầu tư FDI vào Đà Nẵng, hiện có hơn 1.000 dự án đến từ 45 đất nước, vùng lãnh thổ với tổng giá trị đầu tư hơn 4,1 tỷ USD.
"Tuy nhiên, trong tổng số thu hút FDI, lĩnh vực công nghệ thông tin chỉ mới thu hút được 25 triệu USD, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi tiềm năng cho phát triển công nghệ thông tin nói chung, AI nói riêng của Đà Nẵng còn rất lớn", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, Đà Nẵng hội tụ đầy đủ mạng lưới các trường viện đào tạo nguồn nhân lực; có mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và có sự có mặt của nhiều doanh nghiệp cộng nghệ thông tin lớn.
Ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng. Ảnh: T.V. |
"Thông qua sự kiện hôm nay, chúng tôi mong muốn cần nhìn rõ hơn bức tranh công nghệ thông tin tại Đà Nẵng, lắng nghe các cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, qũy đầu tư có các đề xuất, thảo luận để tạo tiền đề tốt hơn cho AI TP. Đà Nẵng", ông Phúc chia sẻ và cho biết thêm, đây cũng là cơ hội để kết nối hợp tác, kinh doanh, mở rộng thị trường giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với cơ sở đào tạo hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng và các đối tác quốc tế.
Chia sẻ thêm về môi trường đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, ông Nguyễn Công Tiến, Phó Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thông tin, hiện Khu công nghệ cao mới chỉ đón một số ít doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) nên quỹ đất còn rất nhiều.
Do đó, Đà Nẵng đang nỗ lực thu hút, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, đơn vị tăng cường đầu tư, xây dựng các viện và cơ sở R&D về AI trong Khu công nghệ cao.
"Các doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất, miễn thuế 4 năm đầu tiên và được giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm…", ông Tiến cho hay.
Hội thảo quốc tế Xúc tiến đầu tư và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: T.V. |
Đề xuất thành lập viện nghiên cứu chuyên sâu
Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC) Đà Nẵng cho hay, định hướng chuyển đổi số và phát triển AI của Đà Nẵng dựa trên những chủ trương của Trung ương và thành phố liên quan việc phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số.
Đà Nẵng đã ứng dụng AI trong hành chính công, giám sát an ninh, quản lý du lịch. Có thể kể đến ứng dụng chatbot hướng dẫn dịch vụ công; trợ lý ảo cho cán bộ, công chức; chatbot hướng dẫn du lịch; AI nhận dạng khuôn mặt; ứng dụng cảnh báo cháy rừng; camera giao thông tích hợp AI…
Theo ông Quốc, Đà Nẵng mong muốn "đặt hàng" các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI giải quyết các bài toán của thành phố trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nghiên cứu làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm AI thương hiệu Việt Nam, đầu tư xây dựng các nền tảng AI trong các lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ mới, sáng tạo cho người dân, doanh nghiệp thành phố.
Đà Nẵng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh: T.V. |
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên hình thành mạng lưới kết nối, chia sẻ hợp tác, cùng giải quyết các bài toán AI của thành phố dựa trên dữ liệu và yêu cầu đặc thù của thành phố; thúc đẩy phát triển công động nguồn mở về AI…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Tài, CEO Công ty CP Dịch vụ Công nghệ thông tin Naiscorp cho rằng, AI đang ở giai đoạn đầu phát triển, Việt Nam có thể bắt kịp hoặc dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh cực. Vì vậy thành phố cần tận dụng lợi thế địa phương đó là sản xuất giá rẻ, thay đổi nhanh, phù hợp với bản địa.
Đồng thời, thành phố cũng cần nghiên cứu các vấn đề mới ngay bây giờ như Quantum AI, Analog/Neuromorphic; Computing Spatial Computing; tư vấn ứng dụng AI vào chuyển đổi số; ứng chụng và chế tạo Robots; Emation AI…
Ông Tài đề xuất thành lập viện nghiên cứu chuyên sâu về AI và Modern computing, không còn đơn thuần theo mô hình tính toán nhị phân.
Trong khi đó, GS. Phạm Đình Lâm đến từ Trường Đại học Kyonggi (Hàn Quốc), thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) cho biết, phía VINK sẵn sàng tiếp nhận "đặt hàng" của Đà Nẵng.
"Chúng tôi mong muốn Đà Nẵng tạo điều kiện đặt phòng lab nghiên cứu tại thành phố để thu hút, kết nối nhân lực giỏi của Việt Nam và Hàn Quốc giải quyết những bài toán nói trên. Đà Nẵng cũng có thể tổ chức những cuộc thi tìm kiếm giải pháp khả thi", GS. Lâm cho hay.
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn