Cuộc sống

Vợ ơi là vợ

Vợ tôi đã viết đơn ly hôn và kí sẵn vào đó, chỉ còn chờ tôi kí vào nữa là xong. Nhưng tôi đang nhất định không kí, bởi “có gì đó sai sai”. Vợ chồng tôi chẳng ai phản bội ai, cũng chẳng phải vì tình cảm đã hết. Mà nguyên nhân chính khiến cuộc hôn nhân của tôi đang đứng bên bờ vực thẳm chính là do mẹ vợ tôi.


Chúng tôi đến với nhau không được sự tán thành của nhà vợ từ đầu. Nguyên nhân mẹ cô ấy phản đối vì tôi là dân tỉnh lẻ, chưa có nhà cửa ở Hà Nội, trong khi nhà em tương đối khá giả, là dân Hà Nội gốc. Trước mặt tôi mẹ em không ngần ngại mắng em “đường quang không đi, đi quàng bụi rậm”. Nhưng xưa nay, mấy mẹ cha nào mà thắng được con cái, ngăn không được, mẹ cô ấy đành đồng ý. Lúc đầu bà đề nghị tôi ở rể nhưng tôi không chịu. Để bà vui lòng, vợ chồng tôi thuê một căn hộ nhỏ gần nhà mẹ để có thể tiện qua lại thăm nom. Và sai lầm của tôi có lẽ bắt đầu từ chỗ đó.

Cưới nhau xong, vừa dọn về nhà mới, mẹ vợ đã tự ý sắm sửa hàng loạt đồ dùng trong nhà mà không hỏi ý kiến chúng tôi. Tôi nói rằng tôi có thể lo được cho vợ con mà không phải phiền đến nhà vợ, nhưng vợ tôi thì nói rằng mẹ cô ấy vì thương con thôi chứ không có ý gì khác, với lại chúng tôi còn nhiều việc phải lo như tích cóp mua nhà, để dành sinh con đẻ cái. Dù sao mọi vật dụng mẹ vợ cũng mua rồi, chẳng thể bắt bà trả lại, nhưng thật lòng tôi thấy không thoải mái.

Nhưng đó chưa phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ vợ chồng tôi mới cưới nhau nhưng đã năm lần bảy lượt to tiếng với nhau, vì hễ động đến việc gì vợ tôi lại bắt đầu bằng câu “Mẹ em nói…”. Với vợ tôi, cái gì mẹ nói cũng là đúng, là nhất. Từ chuyện tiền tiết kiệm đang gửi ngân hàng bà cũng bảo vợ tôi rút về bà giữ cho an toàn hơn. Cho đến chuyện sinh con bà cũng rỉ tai vợ tôi bảo phải cố gắng tránh thai vì năm này và cả năm sau sinh con đều không đẹp tuổi. Tất tần tật mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ, không có việc gì là không có mẹ vợ tham gia. Đã nhiều lần tôi bực bội bảo vợ tôi “chuyện vợ chồng thì tự vợ chồng giải quyết, làm sao em cứ về kể với mẹ làm gì”. Thế nhưng vợ tôi lại nước mắt ngắn dài bảo rằng mẹ cô ấy có thể chẳng cần quan tâm gì cho nhọc thân, chẳng qua bà thương con lo lắng cho con nên mới thế. Có lần cô ấy còn bảo tôi “thù dai hận vặt” vì trước đây bị mẹ vợ can ngăn cấm đoán. Vợ càng bênh mẹ càng nói những câu khiến tôi bực mình.

Thực ra vợ tôi là một cô gái ngoan, chỉ là cô ấy được bao bọc từ nhỏ. Cô ấy nói từ nhỏ đến lớn cô chẳng phải lo đến cái quần cái áo, kể cả dây buộc tóc. Thi Đại học cũng là mẹ chọn trường, ra trường mẹ cô chạy việc. Ngay cả việc kết hôn, bà cũng đã chuẩn bị vài đám, nhưng có lẽ vợ tôi ngay thơ và tiểu thư quá khiến các chàng ấy ngại. Vì được mẹ chăm lo từ A đến Z như thế, nên với vợ tôi mẹ giống như là thánh, mỗi lời bà nói tuyệt nhiên không bao giờ sai. Đến giờ tôi cũng không hiểu bằng cách nào mà trong cuộc đấu tranh vì tình yêu để được cưới cô ấy tôi lại thắng mẹ vợ nữa.

Chiều nào đi làm về tôi cũng đã thấy mẹ vợ trong nhà. Bà sang nấu cơm cho vợ tôi đỡ mệt. Bà vừa dọn nhà vừa càu nhàu việc tôi để đồ không đúng chỗ. Tôi vào phụ rửa rau, bà bảo “con phải rửa bốn nước vào nhé”. Tôi phơi quần áo bà cũng để ý săm soi. Tính bà gọn gàng sạch sẽ, tôi làm gì bà cũng chê. Lâu dần tôi chẳng còn muốn làm nữa. Thế là bà bảo vợ tôi “số con khổ rồi, gặp phải thằng chồng không làm được việc gì ra hồn. Con mà đẻ thằng con trai nữa là suốt đời làm osin cho bố con chúng nó”. Tôi nghe mà không biết nên khóc hay nên cười.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn vừa rồi là mẹ tôi lên thăm. Mẹ tôi ở quê, những vật dụng hiện đại không biết dùng. Bà thông gia sợ mẹ tôi ở nhà “táy máy” hỏng đồ nên sang dạy bà đúng một ngày cách sử dụng. Mẹ vợ tôi nói “Mọi thứ trong nhà này toàn là đồ đắt tiền do tôi mua cả đấy. Bà thấy không, con trai bà khác nào chuột sa chĩnh gạo. Thế mà nó còn chưa hài lòng”. Mẹ tôi vừa kể lại cho tôi nghe vừa khó chịu bảo: “Sao con cái gì cũng phụ thuộc nhà vợ thế để người ta coi thường. Có thì dùng, không có thì thôi, ai lại ngửa tay nhận đồ của mẹ vợ hết thế”.

Tối hôm ấy tôi bảo vợ tôi nên góp ý với mẹ mình, mẹ tôi chỉ lên chơi vài ngày mong bà đừng nói gì làm mẹ tôi suy nghĩ. Chẳng biết vợ tôi về nói thế nào mà một lát sau thấy mẹ vợ chạy qua khóc lóc với mẹ tôi bảo tôi ăn ở không biết trước biết sau, thế này thế nọ. Hôm đó, dù có mẹ lên thăm, tôi cũng không thể nhẫn nhịn nên cãi nhau to với vợ tôi. Và cô ấy chạy về nhà mẹ đẻ. Vì giận, tôi cũng mặc kệ luôn.

Hai ngày sau, đưa mẹ về quê xong, tôi mới sang nhà vợ. Đáp lại lời chào của tôi là vẻ mặt lạnh lùng của mẹ vợ. Còn vợ tôi sau một hồi sụt sùi, thấy mẹ nhướn mày liền chìa ra trước mặt tôi tờ đơn li hôn đã viết và kí sẵn. Mọi sự diễn ra quả là ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Thà là tôi bồ bịch bên ngoài, thà là vợ không còn thương tôi nữa. Đằng này cô ấy nói “Mẹ em bảo anh không coi trọng mẹ em, cũng không quan tâm em. Để em về nhà hai ngày, nhà cách mấy bước chân mà không thèm sang hỏi…Rằng từ ngày em lấy anh mẹ không được một ngày thảnh thơi”. Trời ạ, ai khiến mẹ vợ tôi bận bịu, ai làm cho mẹ vợ tôi sầu não? Là tôi chắc? Mẹ vợ vốn không ưa tôi đã đành, đằng này vợ tôi cũng không biết phân biệt việc nên việc đừng là sao? Đã bao lần tôi chịu khó tỉ tê phân tích cho vợ tôi hiểu rằng cuộc sống hôn nhân có nhiều vấn đề chỉ có người trong cuộc mới hiểu, mọi ý kiến khác chỉ là để tham khảo. Vợ tôi cũng tỏ vẻ hiểu chuyện gật gù, vậy mà không hiểu sao cứ về gặp mẹ là cô ấy như bị tẩy não.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, biết là vợ tôi chỉ nhất nhất nghe mẹ chứ chắc chắn không phải muốn bỏ tôi. Tôi cũng thương vợ tôi thật lòng, không thương thì đã không đến với cô ấy. Tôi bảo nếu muốn, chúng ta cứ tạm thời li thân, anh cho em suy nghĩ kĩ đi. Suy nghĩ chán chê rồi mà vẫn thấy muốn sống với mẹ hơn thì anh chấp nhận.

Tôi đã chuyển nhà xa nhà mẹ vợ, để khi vợ chồng tôi tái hợp đỡ phiền hà. Vợ tôi thì ngày nào cũng gọi điện khóc bảo “Em nhớ anh lắm, nhưng mẹ em nói…”.

Ôi, vợ ơi là vợ!

Tác giả bài viết: G. L

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP