Tin địa phương

Vợ chồng giám đốc buôn lậu gỗ trắc bị đề nghị đến 14 năm tù

Ngày 20-8, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục xét xử vụ kỳ án buôn lậu gỗ của Công ty Ngọc Hưng (Quảng Trị).

Tại phần luận tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trương Huy Liệu (nguyên phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) từ 12-14 năm tù; Trần Thị Dung (nguyên giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 7-8 năm tù về tội buôn lậu.

Ba bị cáo nguyên là cán bộ hải quan gồm Đỗ Danh Thắng, Lê Xuân Thành, Đỗ Lý Nhi bị đề nghị 3-4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại diện VKS tranh luận tại tòa.

Tại tòa bị cáo và luật sư cho rằng cơ quan CSĐT bán vật chứng trong quá trình điều tra thì căn cứ vào đâu để VKS buộc tội các bị cáo trong khi các lần giám định đều cho kết quả khác nhau. Nói về việc này, đại diện VKS khẳng định việc truy tố hành vi hành vi phạm tội của VKS là căn cứ vào hệ thống tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra. Vật chứng là chứng cứ quan trọng nhưng không phải là chứng cứ duy nhất để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.

Trước khi bán đấu giá, lô gỗ đã được thu giữ, bảo quản, niêm phong sau đó được giám định chụp lại số lần theo quy định của pháp luật. Dựa trên kết quả phân tích, kết luận giám định số 783 ngày 26-11-2012 của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật là kết luật có giá trị pháp lý. Đây là chứng cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.

Ngoài ra còn có các chứng cứ khác, đặc biệt là các chứng cứ vật chất khách quan chứng minh hành vi làm giả hồ sơ khai báo hải quan của công ty Ngọc Hưng và hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ hải quan. VKS khẳng định rõ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo dựa trên hệ thống chứng cứ, tài liệu thu thập một cách khách quan, toàn diện chứ không dựa trên một hoặc một số chứng cứ đơn lẻ.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Đặng Văn Mạnh

Các chứng cứ sử dụng để quy kết trách nhiệm của các bị cáo như trong cáo trạng được thu thập hợp pháp, đúng trình tự thẩm quyền. Hệ thống các chứng cứ thu thập được là phù hợp, logic và với diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo. Do đó VKS ban hành cáo trạng luận tội, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo là hoàn toàn có cơ sở.

Vấn đề cơ quan CSĐT bán vật chứng trong giai đoạn điều tra, đại diện VKS cho biết VKSND Tối cao đã có văn bản trả lời cụ thể ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Hơn nữa cơ quan có thẩm quyền của VKSND Tối cao cũng đã có văn bản chuyển cho cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao kèm theo toàn bộ những tài liệu liên quan để cơ quan này xác minh, xử lý, giải quyết theo thẩm quyền. Ai vi phạm, vi phạm đến đâu, vi phạm như thế nào thì cơ quan điều tra VKSND Tối cao sẽ có trách nhiệm trả lời trước công luận.

Liên quan đến ý kiến cho rằng cơ quan C46 Bộ Công an đã có văn bản trả lời Công ty Ngọc Hưng không phạm tội. Đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu đối với Công ty Ngọc Hưng dựa trên hệ thống các chứng cứ thu thập được, còn các văn bản trả lời của C46 Bộ Công an không phải là quyết định cuối cùng, những văn bản này chỉ có giá trị tham khảo.

Vợ chồng bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung tại tòa

Tại phần tranh luận, các luật sư và bị cáo đều cho rằng cáo trạng không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo. Từ đó đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo vô tội, khôi phục quyền hợp pháp theo quy định pháp luật đồng thời trả cho Công ty Ngọc Hưng lô gỗ theo giá thị trường.

Trong khi phản bác việc cáo buộc không có cơ sở pháp lý, luật sư của các bị cáo cũng làm rõ thêm những dấu hiệu “vu khống” để thu giữ lô gỗ, bán rẻ trong qua trình điều tra.

Luật sư Đỗ Ngọc Quang (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc cơ quan CSĐT VKSND Tối cao đã tự bán lô gỗ là tang vật của vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.

Theo LS Quang, điều này đã dẫn đến việc không thể giám định lại khối lượng gỗ thực chất là bao nhiêu trong khi các kết luận giám định không đáng tin cậy, vi phạm pháp luật giám định tư pháp; bị cáo Liệu khẳng định không có gỗ giáng hương trong lô gỗ nhập khẩu; không thể xác định dấu búa kiểm lâm của Lào hay của bất cứ nước nào; không xác định được giá trị thực của lô gỗ là 63 tỉ đồng hay 300 tỉ đồng.

Ngoài ra, LS cho rằng có nhiều mập mờ về tính minh bạch của những người tiến hành bán đấu giá lô gỗ. Việc bán đầu giá cũng có những dấu hiệu trái quy định của pháp luật như gỗ để tại Đà Nẵng nhưng được bán đấu giá tại Hà Nội. Không ai biết về thời gian, địa điểm bán đầu giá nên chỉ có một người tham gia đấu giá, việc vận chuyển gỗ từ cảng Đà Nẵng ra Bắc Ninh được thực hiện như thế nào…

“Chính vi phạm thủ tục tố tụng về xử lý vật chứng tại giai đoạn điều tra đã làm cho quá trình tố tụng của vụ án kéo dài, xét xử nhiều lần mà không thể tuyên án khiến các bị cáo và người dân nghi ngờ về công lý, lẽ phải và pháp luật của Nhà nước” – LS Quang nói thêm.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục.

Tác giả: T.AN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

  Từ khóa: buôn lậu , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP