Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn.
Tờ trình của Bộ Quốc phòng gửi tới Bộ Tư pháp cho thấy, những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nên tình hình thời tiết, thủy văn biến đổi hết sức phức tạp, cực đoan, khó lường trên khắp thế giới, để lại hậu quả hết sức nặng nề, làm cho các quốc gia phải mất nhiều năm để khắc phục và tái thiết.
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn, sự cố lớn dẫn đến thảm họa, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước và tính mạng nhân dân.
Chính vì thế các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế rất quan tâm, cùng nhau hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm thiểu thấp nhất do sự cố thiên tai gây ra.
Theo Bộ Quốc phòng, những năm gần đây Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn. Từ năm 2009 đến nay Việt Nam đã ký kết và tham gia các thỏa thuận, hiệp định song phương và đa phương về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn với các nước, như: Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Hoa Kỳ, Singapore, Nhật Bản, Philippine và các nước ASEAN trong khu vực.
Trên cơ sở các hiệp định và các quy định của pháp luật hiện hành, công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và đạt được kết quả nhất định trong thực tế, góp phần khắc phục các sự cố xảy ra, giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người, tài sản.
Máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3/2014 với 239 người trên khoang. (Ảnh: Reuters) |
Tính từ năm 2006 đến nay, đã phối hợp với các nước trên thế giới và khu vực cứu được 1.036 người, 107 phương tiện nước ngoài. Đặc biệt là tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cấp phép kịp thời cho 12 máy bay, 19 tàu của các nước (Singapore, Malaysia, Hoa Kỳ, Trung Quốc) phối hợp kiểm tra, kiểm soát và tham gia tìm kiếm vụ máy bay MH370 của Hàng không Malayxia mất tích năm 2014 theo đúng thông lệ quốc tế, được các nước trong khu vực và quốc tế đánh giá cao.
Tuy vậy, Bộ Quốc phòng đánh giá hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn vẫn còn những hạn chế, khó khăn, bất cập. Việc bảo đảm cho thực hiện chưa được tiến hành thường xuyên nên hiệu quả còn chưa cao, kết quả của việc thu hút các nguồn lực tài chính. Việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.
“Khả năng hoạt động tìm kiếm cứu nạn nói chung, đặc biệt là hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, trong các hầm mỏ khai thác khoáng sản và khắc phục hậu quả thiên tai hiện nay mang tính toàn cầu, một vụ việc có thể liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực. Nỗ lực của riêng Việt Nam hay một quốc gia nào đó vẫn chưa đủ để ứng phó với những hậu quả khôn lường của thiên tai. Điều đó đòi hỏi các nước phải có sự phối hợp, hợp tác với các quốc gia láng giềng trong việc thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin cấp cứu trên biển”- tờ trình của Bộ Quốc phòng nhìn nhận.
Bộ Quốc phòng khẳng định việc ban hành nghị định quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn là cần thiết, tạo hành lang pháp lý, định hướng lâu dài về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Theo đó, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn lớn, xảy ra trên diện rộng, mang tính thảm họa. Định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn khi được phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổng thể dài hạn, hàng năm về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn và tổng hợp điều phối nội dung chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch của các cơ quan, tổ chức.
Các cơ quan, tổ chức của Việt Nam liên quan có trách nhiệm vận động các nguồn tài trợ, xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hàng năm phối hợp với Bộ Quốc phòng lập kế hoạch hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn do mình phụ trách trình Chính phủ phê duyệt…
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí