Thế giới

Việt - Mỹ: Từ cựu thù trở thành đối tác mới

"Với nỗ lực và ý chí mạnh mẽ, những bất đồng tưởng như không thể hàn gắn được lại đang được kết nối. Trên thực tế, Tổng thống Obama là Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ 3 thăm Việt Nam. Đó là minh chứng rõ nét cho thấy những cựu thù có thể trở thành đối tác mới".

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến thăm Hà Nội ngày 23/5 (Ảnh: AFP)


Nhân chuyên thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tờ New York Times đã đăng bài tổng hợp đánh giá về mối quan hệ giữa hai nước của những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Đó là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thượng nghị sỹ John McCain và cựu Thượng nghị sỹ Bob Kerrey - Chủ tịch Ban điều hành Đại học Fulbright Việt Nam.

Dưới đây là bài viết của 3 nhân vật nói trên.

Trong thời điểm Tổng thống Obama ở thăm Việt Nam, có lẽ chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng phần lớn người dân ở hai nước hiện không còn nhiều ký ức sống về cuộc chiến tranh vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 58.000 người Mỹ và của 1 triệu người Việt Nam.

Với những người Mỹ từng tham gia cuộc chiến đó, chúng tôi thường hỏi về những bài học rút ra được. Có rất ít câu trả lời dễ dàng vì phần lớn, mọi cuộc xung đột đều đặc biệt và vì chúng ta đều nhận ra rằng những nỗ lực để chấp nhận các bài học quá khứ cho những bước ngoặt mới đôi khi mang tới những điều tiêu cực hơn tích cực. Tuy nhiên, có một vài bài học rất rõ ràng.

Bài học đầu tiên không có gì lạ với chúng ta, song đó là nguyên tắc áp dụng cho tất cả những người từng mặc quân phục. Chúng ta sẽ không bao giờ được nhầm lẫn một lần nữa một cuộc chiến với các chiến binh. Các cựu binh Mỹ xứng đáng nhận được sự tôn trọng sâu sắc nhất của chúng ta và họ sẽ luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào họ cần.

Bài học thứ 2 là giới lãnh đạo Mỹ cần phải minh bạch với Quốc hội và người dân Mỹ về các kế hoạch, mục tiêu và chiến lược khi mạng sống của những binh sĩ Mỹ bị đặt trước rủi ro. (Sứ mệnh đầu tiên của các binh sĩ Mỹ được triển khai tới Việt Nam từng được miêu tả là để “hỗ trợ lũ lụt”).

Bài học thứ 3 là thể hiện sự khiêm tốn trong nhận thức khi đánh giá về các nền văn hóa nước ngoài. Trong cuộc chiến tại Đông Nam Á, không chỉ các đồng minh của Mỹ mà còn cả những đối thủ của chúng ta đã hành động không như những gì mà chúng ta nhận định.

Bài học thứ 4 và cũng là bài học cuối cùng về cuộc chiến Việt Nam đang diễn ra ngay vào thời điểm này. Với nỗ lực và ý chí mạnh mẽ, những bất đồng tưởng như không thể hàn gắn được lại đang được kết nối. Trên thực tế, Tổng thống Obama là Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ 3 thăm Việt Nam. Đó là minh chứng rõ nét cho thấy những cựu thù có thể trở thành đối tác mới.

Là những cựu binh, chúng tôi may mắn khi vẫn có thể làm việc, chúng tôi tự hào vì những đóng góp cho việc nối lại quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Quá trình khôi phục quan hệ này từng diễn ra khó khăn và đòi hỏi sự hợp tác toàn diện của Việt Nam trong việc tìm kiếm thông tin về những binh sĩ Mỹ mất tích hay không được tính đến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam - một hoạt động vẫn đang được hai bên tiến hành.

Tuy nhiên, chúng tôi đã đạt được tới điểm chung, ở thời điểm hơn 20 năm sau khi hai nước thông báo bình thường hóa quan hệ. Chương trình nghị sự của chúng tôi với Việt Nam rất đáng chờ đợi và trải dài trên nhiều lĩnh vực. Các cuộc thảo luận của Tổng thống Obama với giới lãnh đạo Việt Nam sẽ tập trung về nhiều vấn đề, từ hợp tác an ninh tới thương mại hay đầu tư cho giáo dục.

Chương trình nghị sự được mở rộng phản ánh những thay đổi trong quan hệ song phương hiện nay. 20 năm trước, chỉ có khoảng hơn 60.000 người Mỹ tới Việt Nam du lịch hàng năm. Ngày nay, con số này đã đạt mức gần nửa triệu người. 20 năm trước, thương mại song phương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam chỉ đạt 450 triệu USD. Ngày nay, con số này đã gấp 100 lần. 20 năm trước, chỉ có hơn 1.000 sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Ngày nay, Mỹ đang chào đón gần 19.000 sinh viên Việt Nam du học.

Chưa dừng lại ở đây, Bộ Chính trị Việt Nam có hai vị trí là những người từng tốt nghiệp tại Mỹ. Ngoài ra, trong tuần qua, Đại học Fulbright Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh. Một trong số chúng tôi, Thượng nghị sỹ Kerrey sẽ giữ vai trò Giám đốc Ban điều hành của đại học này.

Gần 50 năm trước, khi chúng tôi còn tham chiến tại Việt Nam, chúng tôi sẽ không bao giờ nghĩ tới viễn cảnh một ngày nào đó chính phủ của chúng tôi sẽ hợp tác với chính phủ tại Hà Nội để giải quyết những vấn đề tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long bằng việc đưa ra sáng kiến để quản lý hệ sinh thái tại đây và hợp tác với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng không thể tưởng tượng ra được rằng có ngày hai nước lại trở thành đối tác trong thỏa thuận thương mại lịch sử - Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây vốn là thỏa thuận sẽ nâng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, trong khi mang tới nhiều thịnh vượng hơn cho Mỹ và các quốc gia ở khu vực vành đai Thái Bình Dương.

Cũng thật khó có thể tưởng tượng được rằng Mỹ và Việt Nam sẽ hợp tác trong các vấn đề an ninh. Và chưa dừng lại ở đây, Mỹ sẽ giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm huấn luyện cho quân đội Việt Nam ở ngoại ô thủ đô Hà Nội, nơi các binh sĩ trẻ của Việt Nam sẽ được chuẩn bị trước khi tham gia vào các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

Quân đội Mỹ và Việt Nam thường xuyên tiến hành các cuộc tiếp xúc, trong khi giới ngoại giao hai nước thường tham vấn về những vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Chính phủ của chúng tôi không ủng hộ bên nào trong vấn đề này song chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng các bên cần giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như không chấp nhận các hành động đơn phương của bất cứ nước nào nhằm tìm kiếm tham vọng bá quyền lấn át các nước láng giềng.

Dĩ nhiên, Mỹ và Việt Nam có hệ thống chính trị riêng và cách tiếp cận một vài vấn đề khác nhau. Chúng tôi đã khẳng định với Hà Nội rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ chỉ được phát huy tối đa nếu những vấn đề này được tháo gỡ. Trong những lần tới thăm Việt Nam, chúng tôi rất ấn tượng bởi sự khao khát của người dân Việt Nam trong việc sử dụng các công nghệ hiện đại và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu. Chúng tôi cảm thấy tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam sẽ được nhiều hơn nữa khi đặt niềm tin vào người dân.

Hướng tới tương lai, chúng tôi biết lợi ích chung, hơn tất cả, sẽ chỉnh hướng cho quan hệ của chúng tôi với Việt Nam. Tuy nhiên, mối quan hệ sẽ càng được củng cố bởi những gắn kết tự nhiên giữa hai xã hội. Đó sẽ bao gồm là mối quan hệ gắn kết, thái độ lạc quan, một mong muốn mãnh liệt cho tự do và độc lập, cũng như nhận thức rõ ràng rằng hòa bình luôn là giải pháp tốt nhất, thay vì chiến tranh.

Tác giả bài viết: Ngọc Anh - Theo New York Times

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP