Trong nước

Việt-Mỹ cần tận dụng lực đẩy từ chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson

Hai bên cần tận dụng động lực tích cực từ chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson để biến các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương cấp cao, quy mô lớn thành một tình trạng “bình thường mới”.

Chuyến thăm của Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng từ ngày 5 đến ngày 9/3/2018 là một dấu mốc quan trọng mới trong tiến trình tăng cường mối liên hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam sau Chiến tranh Việt Nam, và cùng với hai tàu chiến cùng 6.000 binh sĩ đi kèm, tạo nên sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ thời điểm đó.

Hồi năm 2010, khi hai nước tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tàu sân bay Mỹ USS George Washington đã neo ngoài khơi Đà Nẵng và tiếp đón các quan chức Việt Nam lên thăm tàu bằng trực thăng từ đất liền. Do đó, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng lần này có thể được xem như là một bước đi quan trọng mà theo đúng nghĩa đen đã đưa hai cựu thù xích lại gần nhau hơn, đồng thời cho thấy một mức độ tin cậy lẫn nhau cao hơn giữa hai nước.

USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam sau Chiến tranh Việt Nam, và cùng với hai tàu chiến cùng 6.000 binh sĩ đi kèm, tạo nên sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ thời điểm đó.

Quan trọng hơn, chuyến thăm cũng cho thấy hai nước đã cảm thấy thoải mái hơn 8 năm trước khi tiến hành các hoạt động hợp tác quốc phòng cấp cao, quy mô lớn. Đây là một kết quả tự nhiên nhưng không hề dễ dàng có được từ nỗ lực liên tục của hai bên nhằm vun đắp cho quan hệ quốc phòng song phương trong suốt 10 năm qua.

Sau khi hai nước ký một Bản ghi nhớ về quan hệ quốc phòng năm 2011, hợp tác quốc phòng giữa hai bên đã có những tiến bộ nhanh chóng. Các hoạt động hợp tác nổi bật nhất hiện bao gồm trao đổi các chuyến thăm của các quan chức quốc phòng cấp cao, các chuyến thăm Việt Nam của tàu chiến Hoa Kỳ, và việc Washington cung cấp hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải cho Hà Nội. Sau khi Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2016, hai nước đang thảo luận về các hợp đồng mua bán vũ khí tiềm năng và Việt Nam có thể mua một số hệ thống vũ khí hoặc thiết bị quân sự của Mỹ trong tương lai gần. Hai năm trước, hai nước cũng tuyên bố rằng họ đang cân nhắc việc sản xuất chung các thiết bị quân sự.

Hai bên cần tận dụng động lực tích cực từ chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson để biến các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương cấp cao, quy mô lớn thành một tình trạng “bình thường mới”. Theo đó, hai bên nên xem các hoạt động hợp tác quốc phòng cao cấp, thực chất hay quy mô lớn như các hoạt động bình thường mà cả hai bên đều không coi là “nhạy cảm”. Tương tự, họ không nên lo lắng rằng các hoạt động như vậy sẽ gây “xúc phạm” cho một bên thứ ba bất kỳ miễn là chúng không gây ra các mối đe dọa trực tiếp cho bên đó.

Hiện tại, các hoạt động hợp tác này có thể bao gồm các chuyến thăm thường xuyên của tàu chiến Hoa Kỳ, bao gồm tàu sân bay, tới Việt Nam; các cuộc tập trận chung; hoạt động mua bán trang thiết bị, vũ khí; và sản xuất chung vũ khí và trang thiết bị quân sự. Các hoạt động khác có thể dần dần được thêm vào danh sách khi hai bên thấy phù hợp. Trong ngắn hạn, một cách đơn giản để bắt đầu quá trình này có lẽ là đưa các chuyến thăm của các tàu sân bay Hoa Kỳ tới Việt Nam trở thành một sự kiện định kỳ, có thể diễn ra hàng năm.

Việc “bình thường hoá” và thể chế hoá các hoạt động hợp tác quốc phòng cấp cao như vậy sẽ giúp làm sâu sắc hơn và thực chất hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, giúp hai bên đối phó tốt hơn với những thách thức an ninh mới phát sinh từ những thay đổi đáng lo ngại trong bối cảnh địa chiến lược khu vực hiện nay.

Lê Hồng Hiệp (Tác giả là nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP