Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2015 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Kết luận cho thấy, ngân hàng này đã không trả đủ lãi tiền gửi cho khách hàng trong 16 năm qua.
Cụ thể, qua kiểm toán cho thấy, Vietcombank đã cài đặt tính toán số lãi tiền gửi không kỳ hạn chưa phù hợp quy định tại điều 6 Quyết định của Ngân hàng Nhà nước số 652/2001 ngày 17/5/2001 về việc ban hành quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng.
Vietcombank thực hiện theo Công văn 309 của Ngân hàng Nhà nước ngày 19/1/2001 về hướng dẫn chương trình ngân hàng bán lẻ, trong đó “các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn sẽ được tự động trả lãi định kỳ ngày 25 hàng tháng không phân biệt ngày nghỉ, lễ. Mức lãi tối thiểu được trả cho khách hàng là 1.000 đồng và 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với ngoại tệ khác”.
Theo đó, từ năm 2001 đến nay (16 năm), các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được hệ thống phần mềm tính và hạch toán đầy đủ.
Qua kết quả phân tích dữ liệu trên hệ thống phần mềm, báo cáo tài chính năm 2015 của Vietcombank chưa phản ánh đầy đủ số lãi phải chi trả cho khách hàng 9.766.135.153 đồng liên quan.
Còn với số liệu từ nhiều năm trước đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết không thể xác định số lãi phải trả do hệ thống không lưu trữ được trọn vẹn thông tin chi tiết.
Cũng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, với hiện trạng công nghệ từ năm 1998 và khung quản trị rủi ro hiện tại của nhà băng này, để khắc phục các hạn chế trên là rất khó khăn.
“Thông tin chưa đầy đủ”
Về thông tin trên, VnEconomy đã đặt câu hỏi với lãnh đạo cao cấp của Vietcombank. Vị lãnh đạo này cho biết, ngân hàng sẽ sớm có thông tin chính thức và toàn diện để rộng đường dư luận, để đầy đủ hơn từ cả hai chiều.
Lãnh đạo trên cũng cho biết, Vietcombank là đơn vị đầu tiên Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán về công nghệ. Nếu mở rộng kiểm toán, có thể có nhiều trường hợp khác tương tự, do thực tế hoạt động của các ngân hàng trong hạch toán trả lãi, theo cách làm tròn của phần mềm trong tính toán.
Trước đây, Vietcombank mua phần mềm ngân hàng lõi (core banking) của nước ngoài, các tính toán được làm tròn theo số dư dưới mức 0,1 USD.
“Thực tế có rất nhiều tài khoản số dư phát sinh chỉ vài chục đồng đến vài trăm đồng. Ngân hàng không thể gọi khách hàng đến, hoặc thực hiện chi trả được 20 VND, thậm chí 200 VND. Cũng như trong giao dịch hiện nay, ví dụ tài khoản hoặc giao dịch phát sinh như 154 đồng hay 250 đồng, gần như không thể trả khi khách hàng yêu cầu. Vấn đề ở đây là cách làm tròn, chứ không hẳn là lời lãi hay cố tình “ăn gian” như báo chí nói”, đại diện Vietcombank lý giải.
Cũng liên quan đến cơ chế làm tròn nói trên, vị đại diện trên cho rằng, hàng ngày trong giao dịch tiền mặt, tất toán tài khoản, đáo hạn sổ tiết kiệm hoặc thanh toán hàng hóa…, những giao dịch có số lẻ quá nhỏ, như dưới 1.000 VND đều được làm tròn. Việc khách yêu cầu rút hoặc chỉ trả kiểu 20 VND hay lẻ đến vài đồng là rất khó.
Cũng theo lãnh đạo này, có hiểu nhầm và thông tin chưa đầy đủ trên thị trường hiện nay. Đó là về phần mềm ngân hàng lõi.
Thực tế, nhiều ngân hàng vẫn dùng công nghệ ngân hàng lõi xây dựng từ hàng chục năm về trước, hay công nghệ được dùng vài chục năm là bình thường. Nhưng đó không hẳn là cũ, vì hàng năm hoặc định kỳ các ngân hàng đều cập nhật, nâng cấp trên nền tảng đó.
Tuy nhiên, trước vấn đề phát sinh trên, yêu cầu phải hạch toán và chi trả chi tiết đến từng con số trên tài khoản của khách hàng đặt ra. Lãnh đạo Vietcombank cho biết hệ thống phần mềm ngân hàng này từ 2015 đã tính toán và chi trả lãi đến từng đồng cho khách hàng, áp dụng cho đến nay.
Lãnh đạo Vietcombank cũng khẳng định, những thông tin đồn đoán, suy luận rằng phần mềm và cơ chế của Vietcombank không thực hiện chi trả lãi cho những tài khoản không kỳ hạn có số dư hàng chục triệu đồng là “bịa đặt có mục đích xấu”, mà ngân hàng đã tính toán lãi đến từng đồng.
“Ở đây là vấn đề và kỹ thuật làm tròn số dư rất nhỏ. Chúng tôi không xem đây là chuyện lời lãi. Hiện Vietcombank không thực hiện thu phí quản lý tài khoản. Nếu tính chuyện lời lãi, áp dụng thu phí này từ 20.000 - 30.000 đồng như một số ngân hàng khác, thì số tiền thu được đã lớn hơn nhiều trong chuyện này”, đại diện Vietcombank nói.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết đã chỉ đạo bộ phận chuyên trách tập hợp thông tin phản ánh, thắc mắc từ khách hàng…, để trả lời và thông tin đầy đủ về vấn đề trên ra công chúng.
Tác giả bài viết: Theo Minh Đức/VnEconomy