Bạn cần biết

Vì sao uống rượu làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Theo chuyên gia, có 4 lý do khiến uống rượu có thể dẫn đến đột quỵ.

ThS.BSCKI, bác sĩ nội trú Ngô Văn Tân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho hay, một phân tích tổng hợp gần đây chỉ ra rằng ngay cả khi tiêu thụ rượu ở mức thấp, nguy cơ đột quỵ vẫn tăng nhẹ so với những người không uống rượu.

“Nghiên cứu trên Tạp chí The Lancet cho thấy nguy cơ đột quỵ thiếu máu não cục bộ tăng 14% khi tiêu thụ khoảng 10g ethanol/ngày. Trong 25ml rượu (khoảng 1 chén), lượng ethanol sẽ dao động từ 10-12.5g, tùy thuộc vào nồng độ cồn của loại rượu (thường là 40-50%). Vì vậy, ngay cả khi tiêu thụ lượng nhỏ, rượu vẫn gây ra các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, đặc biệt với người vốn mắc sẵn yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rung nhĩ, đái tháo đường”, bác sĩ Tân chia sẻ.

Ảnh minh hoạ.



Vì sao uống rượu làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Theo bác sĩ Tân, rượu ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của con người, đặc biệt là đối với hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu. Việc tiêu thụ rượu, dù ở mức độ thấp hay cao, đều có mối liên hệ phức tạp với nguy cơ đột quỵ.

Theo đó, khi uống rượu cơ thể sẽ xảy ra những vấn đề sau:

- Tăng huyết áp: Uống rượu, đặc biệt là uống nhiều rượu trong thời gian ngắn, có thể gây tăng huyết áp đột ngột và kéo dài. Đây là yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não.

- Rối loạn chức năng mạch máu: Bác sĩ Tân cho biết rượu làm giảm độ đàn hồi của thành mạch, gây tổn thương nội mạc mạch máu và thúc đẩy quá trình xơ vữa. Xơ vữa động mạch là tình trạng các mảng xơ vữa bám trong lòng các động mạch. Khi các mảng xơ vữa này phát triển hoặc vỡ ra, chúng có thể khiến cho dòng máu bị cản trở hoặc tắc hẹp. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Sau đó, các huyết khối này sẽ theo dòng máu đến não và gây ra đột quỵ.

- Rối loạn nhịp tim: Khi uống nhiều rượu trong một khoảng thời gian ngắn, mọi người có nguy cơ xuất hiện “hội chứng trái tim ngày lễ” (Heart Holiday Syndrome - HHS). Hội chứng này đã được các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi khảo sát và phát hiện rằng các bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì rung nhĩ do uống rượu bia tăng mạnh sau các dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần.

Các nghiên cứu cho thấy hội chứng trái tim ngày lễ cũng xuất hiện ở những người hiếm khi uống rượu hoặc chưa bao giờ uống rượu, nhưng thỉnh thoảng lại có một lần uống rượu quá độ.

Theo bác sĩ Tân, một bài viết được đăng trên Thư Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ đã báo cáo rằng rượu đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy rung nhĩ ở 35-62% các trường hợp bệnh nhân. Tình trạng rung nhĩ thường xảy ra trong khoảng 12-36 giờ sau khi ngừng uống rượu. Rung nhĩ là tình trạng tâm nhĩ không co bóp đồng bộ, khiến cho máu không thể bơm đi như bình thường, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong tâm nhĩ. Huyết khối sau đó theo tuần hoàn đến não và gây ra đột quỵ.

- Rối loạn đông máu: Uống rượu lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu và hệ thống đông máu, làm tăng nguy cơ xuất huyết.

Các yếu tố khác gia tăng nguy cơ đột quỵ

Bác sĩ Tân cho biết, một số yếu tố khác có thể kết hợp với rượu làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như tuổi tác. Người lớn tuổi thường giảm khả năng chuyển hóa rượu. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới huyết áp và chức năng gan, khiến họ dễ bị đột quỵ hơn.

Giới tính cũng được cho là có liên quan tới đột quỵ. Phụ nữ thường có tỷ lệ mỡ cao hơn và tỷ lệ nước trong cơ thể thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, rượu phân bố chủ yếu trong nước, do đó khi uống cùng một lượng rượu, nồng độ rượu trong máu ở phụ nữ thường cao hơn so với nam giới. Điều này khiến rượu tác động tới hệ thần kinh và hệ tim mạch ở phụ nữ nhanh chóng và mạnh hơn.

Ngoài ra, bác sĩ Tân lưu ý, những người mắc bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc tăng huyết áp cũng dễ bị tổn thương bởi các tác động tiêu cực của rượu hơn.

Tác giả: Ngọc Minh

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: đột quỵ , uống rượu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP