Cuộc sống

Vì sao phải cúng rằm tháng 7 trước ngày 15 âm lịch?

Rằm tháng 7 ở Việt Nam là ngày xá tội vong nhân, cũng là dịp lễ Vu lan báo hiếu, mọi người hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành. Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào mới chuẩn?

Cúng rằm tháng 7 là phong tục nhiều nước Á Đông

Rằm tháng 7 là ngày Tết Trung Nguyên, cũng là ngày xá tội vong nhân theo phong tục của các nước Á Đông. Nhiều người cho đến nay vẫn còn nhầm lẫn, cho rằng rằm tháng 7 và lễ Vu lan là một. Thực ra đây là hai lễ khác nhau hoàn toàn. Ngày xá tội vong nhân còn gọi là lễ cúng cô hồn, mục đích để cầu siêu, tưởng nhớ những vong hồn lang thang. Trong khi đó lễ Vu lan là ngày lễ để con cháu tri ân, báo hiếu tổ tiên, gia tiên, cha mẹ đã khuất, mục đích để giáo dục con người về lòng hiếu thảo, biết ơn và biết đền ơn đấng sinh thành.

Khác với các ngày rằm khác trong năm, nhiều gia đình không cúng rằm tháng 7 đúng ngày 15/7 âm lịch mà thường thực hiện lễ cúng này trước.

Ảnh minh họa.

Vì sao phải cúng rằm tháng 7 trước ngày rằm?

Chia sẻ trên Dân trí, tiến sỹ Vũ Thế Khanh – Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, việc cúng rằm tháng 7 trước 15 âm lịch xuất phát từ các truyền thuyết dân gian. Người xưa quan niệm ngày 15/7 âm lịch là ngày giới hạn của kỳ “mở cửa”, sau ngày này người cõi âm sẽ không thể nhận đồ được nữa.

Ngoài ra còn có truyền thuyết kể lại trong “thế giới tâm linh” có một dòng sông chở hàng của người trần gửi cho người âm, đó là Sông Chở Mã. Sau ngày 15/7 âm lịch, “thuyền chở mã” đã rời bến nên đốt mã sau ngày đó sẽ không có giá trị cho người âm nữa. Cũng vì quan niệm trên mà dân gian thường có thói quen cúng rằm tháng 7 trước ngày 15/7 âm lịch, lâu dần hình thành thói quen, tục lệ truyền từ đời này sang đời khác.

Về thời gian cúng rằm tháng 7, theo tục lệ, lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên được thực hiện vào ban ngày, lễ cúng chúng sinh, cô hồn không nơi nương tựa diễn ra vào buổi chiều tối. Theo quan niệm Phật giáo, lễ cúng cô hồn không nên làm cỗ mặn bởi đồ ăn mặn sẽ khơi dậy “tham, sân, si” khiến vong hồn khó siêu thoát, mãi quanh quẩn ở trần thế quấy nhiễu dương gian.

Hiện nay, hầu hết mọi người đều bận rộn, do đó mỗi người đều thu xếp để lên kế hoạch cúng rằm tháng bảy vào ngày phù hợp nhất với lịch công việc của mình. Phần lớn mọi người chọn một ngày từ mùng 10 trở đi, các ngày 12, 13, 14 tháng 7 âm lịch thường có nhiều người làm lễ nhất. Nhiều gia đình chọn cúng vào ngày cuối tuần gần với rằm tháng bảy nhất.

Dù chuẩn bị lễ cúng vào thời gian nào cũng cần lòng thành và sự trang nghiêm, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mới là tỏ lòng thành kính. Mâm cỗ cúng cô hồn trong truyền thống thường bao gồm: cháo loãng, gạo, muôi, cơm trắng, canh, nước lã, xôi, chè (các loại chè), khoai (khoai lang, khoai sọ) luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, hương hoa, quần áo chúng sinh… Mâm cúng cần được trình bày sạch sẽ gọn gàng và thể hiện được thái độ trân trọng.

Tác giả: T. Linh (T/H)

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP