Giáo dục

Vì sao nhiều quan chức ngành y được công nhận giáo sư?

Trong đợt rà soát ứng viên giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) vừa được công nhận năm 2017, dư luận đặc biệt quan tâm đến hội đồng ngành y.

Hội đồn chức danh giáo sư cơ sở tại một trường đại học - Ảnh: HĐCDGSNN

Đây cũng là ngành mà dư luận đặt nghi vấn với một số ứng viên đang ở vị trí quản lý, liệu họ có thực sự tham gia giảng dạy để được phong GS, PGS?

GS, PGS ngành y: ít hay nhiều?

Trong đợt xét GS, PGS năm 2017, ngành y dẫn đầu số lượng ứng viên được công nhận: 19 GS, 173 PGS. Vậy số lượng gần 200 tân GS, PGS của ngành y được công nhận trong năm 2017 là ít hay nhiều?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Phạm Gia Khánh - chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành y học - cho biết việc xét công nhận chức danh GS, PGS năm nay được hội đồng thực hiện chặt chẽ, đúng luật.

Còn số lượng 192 ứng viên đạt chuẩn GS, PGS ở ngành y không phải là nhiều so với nhu cầu của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. "Tỉ lệ sinh viên/GS và PGS ở trong nước rất thấp so với các nước trên thế giới, nhất là tỉ lệ sinh viên/GS ở mức đáng báo động" - GS Khánh nói.

"Ở Trường ĐH Y Hà Nội có hơn 10.700 sinh viên và học viên sau ĐH, nhưng chỉ có 16 GS (tỉ lệ sinh viên/GS là 670/1); ở Trường ĐH Y - dược Thái Nguyên có hơn 8.000 sinh viên, nhưng chỉ có 3 GS (tỉ lệ hơn 2.600 sinh viên/GS); còn ở Trường ĐH Y - dược Cần Thơ, tỉ lệ này là 10.000/1.

Trong khi đó, năm 2015, khi tôi sang làm việc ở Trường ĐH Tubingen (CHLB Đức), tỉ lệ sinh viên/GS là 63/1. Riêng ở khoa y của ĐH Tubingen, tỉ lệ này là 37/1" - GS Khánh nhận định.

Vụ phó, thư ký bộ trưởng, bộ trưởng đều được phong

Trong đợt rà soát hồ sơ ứng viên theo chỉ đạo của Hội đồng chức danh GS nhà nước lần này, ngoài việc rà soát chung tất cả hồ sơ, hội đồng ngành y học đặc biệt tập trung thẩm định lại hồ sơ ba đối tượng ứng viên: có đơn thư khiếu nại, tổ công tác kiểm tra trong quá trình rà soát thấy hồ sơ chưa hoàn thiện, và ứng viên thỉnh giảng thuộc diện cán bộ quản lý.

Trong 192 tân GS, PGS được công nhận năm 2017, có 19 ứng viên (chiếm khoảng 10%) thuộc diện phải rà soát kỹ. Đặc biệt, trong danh sách 19 ứng viên bị tập trung rà soát kỹ, có đến 11 quan chức ngành y tế: bộ trưởng, cục phó, vụ phó, giám đốc sở...

Nhiều người thắc mắc những người ở cương vị quản lý rất bận rộn như bộ trưởng Bộ Y tế, làm sao có thể tham gia giảng dạy để đủ tiêu chuẩn phong GS đợt này?

Trả lời câu hỏi này, GS Phạm Gia Khánh cho biết kết quả rà soát cho thấy Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đáp ứng đủ tiêu chuẩn để công nhận chức danh GS.

Theo hồ sơ, bà Tiến có đầy đủ minh chứng tham gia thỉnh giảng tại Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TP.HCM (được mời làm trưởng bộ môn vi sinh cộng đồng và đạo đức y học), Viện Dinh dưỡng quốc gia, Đại học Oxford (Anh) với tổng số giờ giảng đủ theo quy định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến cũng đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ và được cấp bằng, đang hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Dinh dưỡng.

Với trường hợp ông Hà Anh Đức - thư ký bộ trưởng Bộ Y tế, hội đồng cũng khẳng định đã có đủ minh chứng ứng viên tham gia thỉnh giảng môn tổ chức quản lý y tế và kinh tế y tế tại Trường ĐH Y tế công cộng, ĐH Y dược Hải Phòng, Viện Dinh dưỡng. Trong đó, có hợp đồng và thanh lý hợp đồng thỉnh giảng 4 năm (2010-2014) tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng.

Ngoài ra, ông Đức cũng có minh chứng hướng dẫn 4 học viên cao học đã bảo vệ.

Các trường hợp ứng viên PGS Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, ứng viên PGS Lê Quang Minh - giám đốc Sở Y tế Hà Nam, ứng viên PGS Trịnh Thanh Hùng - phó vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và công nghệ, ứng viên PGS Đỗ Tuấn Đạt - giám đốc Công ty TNHH MTV Văcxin và sinh phẩm số 1... cũng có đầy đủ minh chứng theo quy định. Trong đó, có ứng viên đã có nhiều công bố quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát một số ứng viên thì thấy minh chứng giảng dạy tại Trường ĐH Y tế công cộng chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, do bản sao hợp đồng, thanh lý hợp đồng lưu trong hồ sơ ứng viên không có chữ ký, đóng dấu của trường, không có chữ ký của giảng viên giảng dạy.

Sau đó, Trường ĐH Y tế công cộng đã bổ sung giấy chứng nhận giờ giảng có chữ ký và dấu của hiệu trưởng nhà trường, để làm rõ thêm các minh chứng về hợp đồng, thanh lý hợp đồng giảng dạy.

Theo GS Khánh, việc rà soát hồ sơ cho thấy các ứng viên đều đủ tiêu chuẩn, hội đồng ngành vẫn bảo lưu kết quả như ban đầu. Nhưng vì thời gian rà soát vừa qua ngắn nên trong thời gian tới, một số trường hợp còn nghi ngờ có thể phải rà soát tiếp.

Xác minh một số trường hợp bị khiếu kiện

Riêng các trường hợp bị khiếu kiện (như ứng viên là giám đốc Bệnh viện K trung ương, giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương), hội đồng cũng đã tiến hành xác minh nhiều chiều. Ngay cả khiếu kiện nặc danh cũng được hội đồng xem xét, rà soát kỹ lưỡng.

Với trường hợp ứng viên Nguyễn Xuân Hiệp - giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, hội đồng cũng xác định nội dung khiếu kiện đã có từ thời ứng viên chưa được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương. Do đó, ngoài xác minh cụ thể, việc Bộ Y tế bổ nhiệm ứng viên làm giám đốc sau khi có những khiếu kiện cũng đã góp thêm một minh chứng đảm bảo cho ứng viên này.

Tác giả: NGỌC HÀ

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP