Cuộc sống

Vì sao nhiều người ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ?

Bên cạnh rượu nếp, vải thiều, mận, bánh ú tro…, ở nhiều nơi người dân còn ăn thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc... Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên dân dã là ngày “giết sâu bọ".

Ở Việt Nam, người dân có tập tục đón Tết Đoan Ngọ vào mồng 5/5 âm lịch hằng năm. Đây là giai đoạn thời tiết nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều.

Theo truyền thuyết, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến dày đặc, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ, bỗng nhiên, có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết “diệt sâu bọ", nhiều người gọi nó là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ được bày trí nhiều màu sắc, có nhiều loại trái cây, chè, rượu nếp,...

Người dân tổ chức Tết Đoan Ngọ để phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng, cầu mong mùa vụ bội thu.

Theo quan niệm cổ truyền, người dân ăn hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5 là một cách để diệt trừ sâu bọ. Trong ngày Tết Đoan Ngọ, phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Ngoài ra bánh ú tro, chè trôi nước, hạt sen... cũng là những món đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt, vào ngày này, ở nhiều nơi, người ta còn ăn thịt vịt.

Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn thịt vịt?

Ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc thường diễn ra Lễ hội Thuyền Rồng. Trong ngày này, rất nhiều món ăn hoặc hoạt động liên quan đến trứng vịt được thực hiện. Chẳng hạn như ăn lòng đỏ trứng muối (cho vào bánh bá trạng), tặng nhau trứng vịt luộc, ăn trứng trà, đập trứng vào nhau để cầu may mắn.

Thịt vịt cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Trung.

Còn ở ta, so với nhiều quan niệm ăn thịt vịt vào cuối tháng để "xả xui", trong ngày Tết Đoan Ngọ người dân nhiều tỉnh miền Trung ăn thịt vịt quay hoặc thịt vịt luộc. Tết Đoan Ngọ ở các nước phương Đông đều mang ý nghĩa cầu an, cầu phúc. Nếu như Tết Đoan Ngọ, người Trung Quốc tặng nhau trứng vịt lộn, ăn trứng vịt muối, ăn thịt vịt thì ở nước ta nhiều nơi cũng ăn thịt vịt.

Bởi vịt trong tiếng Hán là "áp". Vịt đồng âm với "áp" nên mang nghĩa trấn áp sự xâm nhập của bệnh tật, tà khí. Đây cũng là lời chúc người thân, bạn bè luôn an lành.

Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn thịt vịt vì loại thịt này bổ dưỡng và có tính mát. Theo dược lý Đông y, thịt vịt có tính chất mát, ngọt (hơi độc), có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều. Theo sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân: "Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thuỷ đạo,...".

Thịt vịt còn có tác dụng giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Vịt có sắc vàng trắng thì có tác dụng “bổ trung ích khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí. Người ta nói “ăn thịt vịt hiền và bổ khỏe”. Thông thường người ta ăn thịt vịt theo lối luộc chấm nước mắm gừng hoặc nấu cháo vịt. Ngoài ra, còn có vịt tiềm với sen, táo, đinh và hồi, thường gọi là vịt tiềm thuốc Bắc... Vì thế, trong ngày Đoan Ngọ, khí trời nóng nực (tiết Đại Thử) nhiệt độ cao, nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt – hàn giữa trời và người.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: Tết Đoan Ngọ , thịt vịt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP