Pháp luật

Vì sao người dân Thái Bình tố công an bao che băng Đường 'Nhuệ'?


Với nhiều người dân Thái Bình, dù băng nhóm xã hội đen Đường "Nhuệ" côn đồ, lộng hành đến đâu, cũng không sợ bằng sự vô cảm, bàng quan, thậm chí dung túng của cơ quan công quyền.

Công ty TNHH Lâm Quyết sau khi bị băng nhóm Đường “Nhuệ” chiếm đóngẢnh: Sơn Tân

Trong những ngày qua Thanh Niên phản ánh thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm Đường “Nhuệ”, nhóm PV đã ghi nhận, tiếp cận với nhiều vụ việc và tiếp xúc nhiều người dân là nạn nhân trực tiếp, gián tiếp của băng nhóm này.

Một trong số đó là anh Nguyễn Văn Hà (31 tuổi, trú P.Trần Lãm, TP.Thái Bình), hiện là Công an P.Phúc Khánh, TP.Thái Bình. Ngoài tố cáo băng nhóm Đường “Nhuệ”, anh Hà còn tố cáo đích danh những người là cấp trên của mình đã có những dấu hiệu bao che, làm sai lệch hồ sơ, dẫn đến bỏ lọt tội phạm, mà cụ thể là Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, 49 tuổi, trú tại số 366 Lê Quý Đôn, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Người bị tố cáo điều tra người tố cáo

Hồ sơ do anh Nguyễn Văn Hà cung cấp thể hiện: Năm 2017, do thiếu vốn làm ăn, ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết (là bố mẹ anh Hà), vay Đường “Nhuệ” 1,7 tỉ đồng, lãi suất 2.000 đồng/triệu đồng/ngày. Do việc kinh doanh gặp khó khăn, vợ chồng ông Lẫm xin trả dần nhưng Đường “Nhuệ” không đồng ý, sau đó đưa đàn em đến chiếm giữ, ép phải nhượng lại Công ty TNHH Lâm Quyết.

Trong 16 ngày “chiếm đóng” Công ty TNHH Lâm Quyết (từ ngày 3 - 19.10.2017), Đường “Nhuệ” cho đàn em đuổi hết công nhân ra ngoài, khiến toàn bộ hoạt động sản xuất bình thường bị đình trệ. Đồng thời, khi ông Lẫm điện thoại cầu xin Đường “Nhuệ” rút người khỏi công ty và nhận nợ trả dần thì bị Đường “Nhuệ” bắt ép chỉ có cách phải sang lại công ty, đe dọa giết và sẵn sàng hy sinh đàn em rồi nuôi ăn ở trong tù (có tài liệu thể hiện). Sau đó, vợ chồng ông Lẫm có làm đơn gửi Công an TP.Thái Bình tố cáo Đường “Nhuệ” chiếm giữ và cướp phá công ty để xiết nợ.

Theo anh Hà, khi làm việc với Đội CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP.Thái Bình, bố mẹ anh đã nói rõ việc tố cáo Đường “Nhuệ” là vấn đề hình sự, yêu cầu chuyển hồ sơ cho Đội cảnh sát hình sự Công an TP thụ lý. “Tuy nhiên, ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình; và ông Nguyễn Hữu Vinh, Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (hiện là Trưởng công an P.Trần Lãm, TP.Thái Bình), kiên quyết không chuyển”, anh Hà nói và cho biết, do thấy tình hình khó xoay chuyển, bố mẹ anh sau đó đã có đơn tố cáo lên Công an tỉnh Thái Bình về việc lãnh đạo Công an TP.Thái Bình giải quyết tố giác tội phạm không công tâm, có dấu hiệu bao che tội phạm.

Đến ngày 29.3.2018, ông Cao Giang Nam đã ký Thông báo số 12 về việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, liên quan đến tố cáo của ông Lẫm, bà Quyết, với lý do không có căn cứ xác định Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết.

Theo anh Hà, việc Công an TP.Thái Bình chưa khám nghiệm hiện trường, xác minh thiệt hại mà đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là trái với quy định của bộ luật Tố tụng hình sự về giải quyết tin báo tội phạm. “Trong suốt thời gian 16 ngày Đường “Nhuệ” cho người chiếm giữ Công ty TNHH Lâm Quyết, cơ quan điều tra không hề có một văn bản nào buộc Đường phải rút người, phòng ngừa ngăn chặn hành vi đe dọa đánh giết người, và chuyển dịch tài sản của Công ty Lâm Quyết để xiết nợ, là dung túng, bao che, bỏ lọt tội phạm”, anh Hà “tố”.

Trong suốt thời gian 16 ngày Đường “Nhuệ” cho người chiếm giữ Công ty TNHH Lâm Quyết, cơ quan điều tra không hề có một văn bản nào buộc Đường phải rút người, phòng ngừa ngăn chặn hành vi đe dọa đánh giết người, và chuyển dịch tài sản của Công ty Lâm Quyết để xiết nợ, là dung túng, bao che, bỏ lọt tội phạm

Anh Nguyễn Văn Hà

Chưa hết, ngày 16.4.2018, ông Lẫm, bà Quyết bị Công an TP.Thái Bình bắt giữ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sau khi một chủ nợ là ông Đỗ Văn Tới làm đơn tố cáo. “Trong khi bố mẹ tôi đang tố giác họ, thì lại bị chính họ bắt giam để điều tra”, anh Hà nói.

Vi phạm tố tụng từ A đến Z?

Tháng 6.2019, ông Lẫm, bà Quyết bị tòa tuyên phạt lần lượt 14 và 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trả lời Thanh Niên chiều 17.4, luật sư Trần Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.Hải Phòng), người trực tiếp tham gia bảo vệ cho các bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết, cho biết vụ án liên quan đến Công ty TNHH Lâm Quyết đã “vi phạm về tố tụng từ A đến Z, nhưng vẫn được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thái Bình bỏ qua”.

Luật sư Lĩnh chỉ rõ sau khi Công ty TNHH Lâm Quyết bị băng nhóm Đường “Nhuệ” chiếm đóng, ngày 1.12.2017, ông Đỗ Văn Tới làm đơn đề nghị xem xét khoản tiền 400 triệu đồng cho vợ chồng ông bà Lẫm, Quyết vay vào năm 2013, và 500 triệu đồng cho vay năm 2016. Ngày 14.8.2018, Công an TP.Thái Bình ra thông báo kết quả giải quyết tố giác, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lẫm, bà Quyết.

“Họ khởi tố bắt tạm giam luôn, không cho 2 người có cơ hội gì để khiếu nại kết quả giải quyết tố giác. Mặt khác, đây là quan hệ dân sự, có hợp đồng vay vốn thỏa thuận trả lãi, lẽ ra cơ quan điều tra phải hướng dẫn ông Tới đối chiếu công nợ, thanh quyết toán với ông bà Lẫm, Quyết, nếu không tự giải quyết được với nhau thì khởi kiện ra tòa án để giải quyết. Nhưng cơ quan điều tra lại biến quan hệ dân sự thành hình sự, và không giao cho hai người này thông báo về hành vi bị tố giác; không hỏi và cho đối chất với người tố giác”, luật sư Lĩnh cho biết.

Mặt khác, theo luật sư Lĩnh, ông Đỗ Văn Tới tố giác ông bà Lẫm, Quyết lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 900 triệu đồng là tội đặc biệt nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù. Theo quy định, tin tố giác này thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT cấp tỉnh, nhưng Công an TP.Thái Bình lại thụ lý, là trái pháp luật.

Ngoài ra, luật sư Lĩnh cũng đưa ra nhiều tài liệu trong hồ sơ để chỉ ra khoản vay nợ giữa ông Lẫm, bà Quyết và ông Đỗ Văn Tới có rất nhiều điểm mâu thuẫn, không phù hợp với tài liệu chứng cứ…

Đáng chú ý, luật sư Lĩnh cho rằng, quá trình điều tra có dấu hiệu điều tra viên đưa tin sai sự thật, xúi giục chủ nợ tố cáo con nợ, giả mạo chứng cứ, thêm bớt tài liệu, làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Trong đó, có tin nhắn của ông Tới đến ông Lẫm với nhiều nội dung như: “Hôm nay Vinh công an đến nhà cho anh biết chú vay 37 tỉ, còn một số người chưa trình báo (BL 217); Vinh cho anh xem các giấy tờ nhận nợ vợ chồng chú ký (BL 218); Vinh có mời anh đến CATP, họ bảo anh viết đơn”.
Từ những chứng cứ này, luật sư Lĩnh nhận định, điều tra viên đã xúi giục chủ nợ tố cáo con nợ, làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Liên quan các tố cáo của anh Nguyễn Văn Hà, Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với ông Cao Giang Nam và một số cán bộ Công an TP.Thái Bình để làm rõ nội dung người dân tố cáo, nhưng không nhận được sự hồi đáp. Trong khi đó, một lãnh đạo TAND tỉnh Thái Bình cho biết, do vụ án đang trong quá trình xét xử phúc thẩm nên không phát ngôn.

Phản ánh với Thanh Niên, nhiều người dân Thái Bình cho rằng việc băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ” lộng hành thời gian dài vừa qua còn liên quan đến nhiều nhân vật khác.

Tác giả: Thái Sơn-Lê Tân

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP