Trong hai tuần qua, làng biển Nam Ô liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Lancaster Nam O Resort, quận Liên Chiểu) đã trở thành điểm nóng ở Đà Nẵng.
Theo nhiều người dân địa phương, các vấn đề họ quan tâm, đề nghị lãnh đạo thành phố giải quyết và làm rõ là: Lối đi xuống biển của người dân, việc giữ lại không gian công cộng ở ghềnh đá Nam Ô; việc sử dụng ngân sách đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án và định hướng điều chỉnh quy hoạch...
Những căn nhà sát mép biển Nam Ô dần bị đập bỏ vào giữa năm 2017 để thành phố giao đất cho chủ đầu tư. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Biển là của chung"
Năm 2008, chính quyền Đà Nẵng có chủ trương hình thành "Khu du lịch sinh thái" ở Nam Ô. Sau nhiều lần đổi chủ đầu tư và điều chỉnh quy hoạch, một vệt làng Nam Ô giáp biển bị phá dỡ, di dời hơn 500 hộ dân.
36,6 ha đất ở Nam Ô được giao cho Công ty cổ phần Trung Thủy thực hiện dự án, trong đó bao gồm cả diện tích đất ghềnh đá, rừng Nam Ô, sân bóng, khu mộ tiền hiền, lăng Ông, miếu bà Liễu Hạnh, phế tích thờ Huyền Trân Công Chúa.
Tháng 5/2017, việc giải tỏa vệt dân cư ven biển hoàn thành. Một hàng rào thép, gắn tôn dài khoảng 3 km bịt kín không gian của người trong làng với biển, chỉ chừa lại 5 m lối đi tạm. Đến ngày 20/3, lối đi xuống ghềnh Nam Ô đang mùa đá lên rêu bị khóa lại.
Trước diễn biến trên, người dân địa phương đã tập trung phản đối. Một số người dùng vật cứng "tấn công" vào hàng rào thép, mở lại lối xuống biển. Công an được cử đến vãn hồi trật tự, nhưng không thể ngăn việc người dân đòi lại con đường do chính họ mở ra để hưởng thụ vẻ đẹp của ghềnh đá từ xưa đến nay.
"Biển và ghềnh đá Nam Ô từ bao đời gắn bó với chúng tôi, dự án chưa triển khai thì dân phải được quyền hưởng thụ không gian biển", một người dân nói.
Bảo vệ tháo dỡ các tấm tôn bịt kín không gian biển của người dân Nam Ô hôm 31/3. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đi thị sát khu vực điểm nóng, chỉ rõ việc dự án chưa triển khai đã bít lối xuống biển của người dân là không đúng. Ông chỉ đạo chính quyền địa phương dỡ bỏ hàng rào ra sát mép nước, tính toán lại không gian công cộng để đảm bảo "biển là của chung, người dân phải được quyền tiếp cận".
Thu ngân sách 63 tỷ, giải phóng mặt bằng hết 110 tỷ đồng
Về việc sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng cho dự án, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, dự án kéo dài 10 năm chưa triển khai nên đã phát sinh kinh phí đền bù.
Cụ thể, năm 2010 sau khi thành phố lấy lại dự án từ một doanh nghiệp khác và giao cho Công ty cổ phần Trung Thủy, doanh nghiệp này đã thực hiện nghĩa vụ tài chính 63 tỷ đồng. Đến năm 2017, ngân sách thành phố đã chi 110 tỷ đồng để giải tỏa, đền bù cho hơn 500 hộ dân.
Giải thích việc số tiền chủ đầu tư nộp vào ngân sách ít hơn gần 50 tỷ đồng so với tiền thành phố đã bỏ ra, ông Hưng nói đây là tiền doanh nghiệp nộp tạm trong phạm vi 10 ha đất, 26 ha đất còn lại sẽ được Đà Nẵng làm hồ sơ giao, cho thuê đất và khi triển khai dự án chính quyền sẽ quy định phần đất nào giao, phần nào thuê. "Không phải nhà đầu tư chỉ bỏ ra ngần ấy tiền là xong", ông Hưng cho biết.
Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch
Liên quan đến quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, trong cuộc làm việc với Công ty cổ phần Trung Thủy và các sở ngành liên quan cuối tháng 3, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh theo hướng giữ nguyên hiện trạng để trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử trong khu vực; có phương án bảo tồn làng nghề, các yếu tố văn hóa và lịch sử của làng biển Nam Ô.
Lãnh đạo thành phố cũng giao các Sở phải đánh giá lại hạ tầng khu dân cư, chỉnh trang và và tạo lối xuống biển cho người dân, xác định khu vực bãi tắm công cộng; trình lãnh đạo thành phố phương án điều chỉnh quy hoạch trong tháng 4/2018.
Di tích giếng theo kiến trúc Chăm Pa tại làng Nam Ô. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Tại cuộc làm việc trên, đại diện UBND quận Liên Chiểu cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan đến dự án. Cụ thể, quận đề nghị dải đất dọc đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) khoảng 6.300 m2 sẽ được thu hồi để mở rộng nút giao thông, xây dựng cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô và các sản phẩm của ngư dân; tôn tạo ghềnh đá Nam Ô phục vụ du lịch sinh thái; quy hoạch hai lối xuống biển tại di tích dinh Âm Hồn và miếu Bà Liễu Hạnh hiện nay...
Trao đổi với VnExpress chiều 2/4, bà Dương Thị Thanh Thủy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Thủy, cho biết chính quyền Đà Nẵng đã hẹn trong tuần này sẽ gặp chủ đầu tư để bàn hướng điều chỉnh quy hoạch dự án. "Tôi nghĩ thành phố sẽ ủng hộ tối đa, vì đây là dự án chỉnh trang đô thị", bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, việc giữ lại di tích ở Nam Ô là do chủ đầu tư đề xuất với chính quyền thành phố để trùng tu, tôn tạo và giao lại cho ban quản lý ở đó. Tuy nhiên giữa chủ đầu tư và chính quyền đang lấn cấn câu chuyện "giao thì ai giữ, ai quản lý". Riêng lối xuống biển cho dân, bà Thủy nói sẽ mở để mọi người đến tham quan. "Chúng tôi không đề xuất có bao nhiêu lối xuống biển mà chờ chính quyền thành phố điều chỉnh quy hoạch", bà Thủy nêu quan điểm.
Vị trí rạn Nam Ô trên đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng). |
Nam Ô nằm gần chân núi Hải Vân, gắn với truyền thuyết vượt Ải Vân khai hoang lập làng của những bậc tiền nhân từ 700 năm trước. Người trong làng hầu hết đều đi biển. Những con cá tươi ngon được dân làng làm mắm, tạo lên một làng nghề nức tiếng gần xa. Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch làng nghề nước mắm Nam Ô cho biết, sau giải tỏa, làng Nam Ô mất gần 100 hộ dân đi biển, 60 nhà làm nước mắm không còn cơ sở sản xuất. Ngày 16/2 âm lịch vừa qua, dân làng Nam Ô tổ chức lễ cầu ngư. Khác với cảnh nhộn nhịp của lễ hội những năm trước, lần này chỉ có khoảng 50 vị cao niên đứng ra làm lễ, không còn phần hội vì dân làng không còn tề tựu như trước. |
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress