Du lịch

Vì sao lại gọi là Hồ Gươm?

Tại Hà Nội có quá nhiều địa danh đẹp, xứng đáng để du khách chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, “lẵng hoa” giữa lòng thành phố, “cái chất” của Hà Nội thể hiện rõ nhất ở Hồ Gươm. Nơi đây thể hiện đúng bản sắc văn hóa của người Hà Nội. Một Hà Nội cổ kính, nhẹ nhàng, thanh cao như bừng sáng tại Hồ Gươm.

Trang An ninh Thủ đô cho hay, thời Lý, phần lớn các hồ nằm ở ngoài đê chắn nước sông Hồng. Con đê này tương ứng với các phố Hàng Than, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào quặt ra Hàng Trống và xuôi xuống Bà Triệu rồi dừng lại bến Bình Than đầu phố Nguyễn Du ngày nay.

Gọi là đê nhưng nó chỉ như bờ vùng nên những năm nước sông Hồng lên to, tràn qua đê vào trong thành. Lục Thủy khi đó là hồ lớn có những con lạch nối với sông Hồng. Mùa hanh khô, lạch cạn nước, Lục Thủy không có nguồn tiếp nên nước hồ màu xanh lục vì thế được gọi là Lục Thủy.

Tuy nhiên, sau này người ta gọi hồ Lục Thủy bằng tên gọi khác là hồ Hoàn Kiếm, hay là hồ Gươm.

Truyền thuyết có nhiều dị bản song bản được lưu truyền trong dân gian và sau này nhiều sách chép trong đó có đoạn: “Sau khi đánh tan giặc Minh, một hôm vua Lê Thái Tổ ngồi trên thuyền rồng dạo chơi trên hồ thì thần Kim Quy nổi lên, Ngài hiểu thần muốn lấy lại thanh gươm báu trước kia thần đã cho mượn đánh giặc Minh. Và khi ngài rút gươm ra khỏi vỏ thì lập tức thanh gươm bay về phía thần Kim Quy, thần ngậm thanh gươm rồi từ từ lặn xuống chỉ để lại những vệt sáng loang loáng. Từ đó dân gian gọi Lục Thủy là hồ Hoàn Kiếm hay là hồ Gươm”.

Vào những năm “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”, Chúa Trịnh đã xây phủ chúa rất lớn ở phía Đông Nam kinh thành (tương ứng với đoạn đầu phố Tràng Thi, đầu phố Quang Trung, khúc giữa Lý Thường Kiệt và đoạn đầu phố Bà Triệu hiện nay).

Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm – Di tích lịch sử đẹp nhất Hà Nội.

Để có đường cưỡi voi sang lầu Ngũ Long nằm bên kia hồ, nhà chúa cho ngăn hồ làm hai, nửa trên gọi “Tả Vọng” (nay là hồ Gươm) và nửa dưới gọi là “Hữu Vọng” (còn gọi là hồ Thủy Quân).

Trang Thể thao & Văn hóa thông tin thêm, Hồ Gươm trên bản đồ 1890 có diện tích 13ha, đến năm 1969 chỉ còn 10,7ha, và không thay đổi cho đến nay. Hồ được bao quanh bởi những phố chính ở trung tâm Hà Nội và có vị trí kết nối giữa khu phố cổ với khu “Phố Tây” do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ. Hiện nay Bờ Hồ đã được quy hoạch thành những tuyến phố đi bộ, có đường dạo chơi cho khách tham quan…

Về nguồn gốc Hồ Gươm, đa phần các nhà nghiên cứu cho rằng hồ là một khúc chết của sông Hồng.

Trong Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội (1959), Doãn Kế Thiện có ghi: “Hồ Hoàn Kiếm là một đoạn dòng cũ của sông Hồng còn sót lại”; Trần Quốc Vượng và Vũ Tuân Sán trong Hà Nội nghìn xưa (1975) cũng cho rằng: “Cội nguồn của hồ Gươm, cũng như hồ Cổ Ngựa, hồ Hàng Bạc - Hàng Đào, hồ Sao Sa (Hàng Chiếu) là một khúc sông Hồng” và “Hồ Gươm là một di tích khúc sông Nhị bị những bãi cát chèn ở phía bắc, phía đông”.

Tuy nhiên, các tác giả cuốn "Sông hồ Hà Nội" khẳng định thêm rằng: “Hồ Gươm là đoạn sót lại của nhánh lòng sông cổ chảy từ Hồ Trúc Bạch qua Hàng Than, Cầu Gỗ, Hồ Gươm, Lò Đúc, Kim Ngưu và trở lại với sông Hồng tại Yên Sở”.

Ngày nay, cùng với việc mở mang, xây dựng các khu đô thị ở Hà Nội, các các hồ, ao, đầm cũng bị thu hẹp và một số đã bị lấp đi hoàn toàn. Khu vực phố cổ chỉ còn tồn tại duy nhất Hồ Gươm, những đầm hồ phía Cửa Bắc, Cửa Đông được lấp gần hết chỉ còn lại hồ Trúc Bạch.

Mặc dù số lượng và diện tích hồ ở nội thành Hà Nội đã bị giảm đi đáng kể, song cho đến nay, Hà Nội vẫn được coi là thành phố sông hồ. Hồ Gươm tạo nên ấn tượng về màu xanh, đặc biệt khi nhìn từ trên cao.

Tác giả: Việt Hương (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.com

  Từ khóa: hồ Gươm , hà nội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP