Trong nước

Vì sao kiểm lâm Quảng Nam phải ký cam kết bảo vệ rừng?

“Lâu nay các cán bộ ngành kiểm lâm, Ban quản lý (BQL) rừng tự nguyện ký cam kết hoàn thành nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, cam kết ký rồi nhưng phá rừng vẫn xảy ra do vậy cần có sự cam kết tự nhận hình thức xử lý kỷ luật cao nhất về mặt hành chính nếu vi phạm. Phải như vậy họ mới tự răn đe họ để họ thấy rằng mình đã cam kết như vậy thì không nên “nhúng chàm”.

Và đó cũng là thông điệp UBND tỉnh gửi cho họ nếu vi phạm mà lúc đó không có vòng vo, ngụy biện lý do, xin giảm nhẹ hay đổ qua đổ lại trách nhiệm” – ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giải thích về nội dung văn bản tỉnh vừa ban hành.

Chiều 10/4, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh vừa có cuộc họp với các ngành liên quan về các vấn đề trong quản lý và bảo vệ rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để xảy ra phá rừng hàng loạt có dấu hiệu tiêu cực trong ngành kiểm lâm

Nhiều nội dung được đề cập tại cuộc họp, trong đó trọng tâm là vấn đề cải tổ, kiện toàn sắp xếp lại lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là các ban quản lý rừng và đơn vị kiểm lâm.

Nhìn nhận thực tế có nhiều bất cập trong quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương dẫn đến xảy ra nhiều vụ phá rừng. Trong đó ngoài nguyên nhân bất cập về chồng chéo trong quản lý theo lưu vực, theo vùng rừng, lực lượng kiểm lâm còn ít thì có dấu hiệu cán bộ ngành không trong sạch.

“Trong các vụ việc phá rừng vẫn thấy có một cái gì đó ở đằng sau, tức là có sự dung túng, bao che hoặc nhắm mắt làm ngơ của lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, không thể phá rừng ầm ầm như vậy mà không biết được” – ông Thanh nói.

Hiện trường vụ phá rừng đặc dụng Sông Thanh

Từ thực tế đó nên tỉnh Quảng Nam phải có văn bản yêu cầu cán bộ ngành kiểm lâm tự nguyện ký cam kết nhận hình thức xử lý kỷ luật cao nhất nếu vi phạm.

Cụ thể, nội dung văn bản yêu cầu các ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát về số lượng, địa điểm, tình trạng pháp lý và chủ các cơ sở cưa xẻ, gia công chế biến gỗ hoạt động trên địa bàn; thống kê cơ sở hoạt động không đúng quy định; Chủ tịch UBND không cấp mới hoặc đề nghị cấp mới các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn; thành lập Tổ công tác kiểm tra thực trạng các xưởng cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ để tổ chức đi kiểm tra thực tế. Làm rõ những cơ sở có mối quan hệ với người thân đang công tác trong cơ quan thuộc hệ thống chính trị trên địa bàn làm cơ sở tham mưu tỉnh ban hành quy định điều kiện và tổ chức hoạt động của các cơ sở này trên địa bàn...

Hàng chục cây gỗ lim quý hiếm tại rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị tàn sát

Đặc biệt, chỉ đạo hướng dẫn Chi Cục kiểm lâm lập Bản cam kết và tổ chức cho tất cả các cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành (bao gồm kiểm lâm và các BQL rừng) ký cam kết không có bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng hoặc tiếp tay, dung túng bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; không mua bán, sử dụng các vật dụng lâm sản không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các hành vi phạm cam kết sẽ tự nguyện chấp nhận xử lý kỷ luật ở khung hình phạt cao nhấ

Ông Lê Trí Thanh trong tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn

Theo ông Thanh, Quảng Nam đang trong điểm nóng về phá rừng, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn việc cán bộ kiểm lâm, BQL rừng tiếp tay cho lâm tặc. Nếu cán cán bộ này không kỹ rõ ràng là có vấn đề, còn nếu đã ký thì khi phát hiện vi phạm thì cứ áp dụng theo hình thức cao nhất không vòng vo đổ thừa trách nhiệm hoặc xin giảm nhẹ. Thực tế đã có nhiều cán bộ liên quan đến các vụ phá rừng được đưa ra xử lý.

“Quy định về bảo vệ rừng thì nhiều nhưng có quy định đằng trời mà cán bộ không trong sạch, còn tiếp tay, móc ngoặc với lâm tặc thì rừng vẫn cứ bị phá” – ông Thanh thẳng thắn.

Việc ký cam kế tự nhận hình thức kỷ luật cao nhất để họ thấy rằng mình đã cam kết như vậy thì không nên “nhúng chàm”. Đồng thời cũng có thể coi đó cũng là thông điệp UBND tỉnh gửi cho họ nếu vi phạm sẽ xử lý ở hình thức cao nhất mà lúc đó không có vòng vo, ngụy biện lý do, xin giảm nhẹ hay đổ qua đổ lại trách nhiệm. Đó là xử lý về mặt hành chính, còn tất nhiên xử lý về mặt hình sự thì vẫn cứ căn cứ theo quy định của Luật Hình sự” – ông Thanh nói.

Sắp tới, tỉnh Quảng Nam tổ chức sắp xếp lại lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng sẽ quản lý theo đơn vị hành chính và giao cho chính quyền địa phương quản lý, chịu trách nhiệm. Tăng cường kiểm lâm địa bàn. Các hạt kiểm lâm 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam mỗi huyện chỉ có 1 Hạt Kiểm lâm thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.

“Qua việc phân cấp như vậy thì chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND xã là người chịu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Không để tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ khó quy trách nhiệm như hiện nay” – ông Thanh nói.

Trước đó, Tiền phong liên tục thông tin, từ sau Tết Nguyên Đán, tại Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng với quy mô lớn. Vụ phá rừng lim quý hiếm với ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang). Thống kê, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại 235,111m3; Vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) ước tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3. Ngoài ra, tại rừng đặc dụng Sông Thanh xảy ra phá rừng đặc dụng, tàn sát động vật quý hiếm.

Tác giả: HOÀI VĂN

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP