Tin địa phương

Vì sao khởi tố Vũ "nhôm" tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ?

Phân tích về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") vừa bị khởi tố, nguyên thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng cho biết chủ thể phải là người giữ một chức vụ nào đó.

Ngày 8-2, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, đã trao đổi một số thông tin với Báo Người Lao Động về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") vừa bị khởi tố thêm về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"

Theo ông Phạm Công Hùng, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn. "Phải thỏa mãn được điều kiện này thì mới có thể là chủ thể của tội này"- ông Hùng nhấn mạnh.

Trong trường hợp của Vũ "nhôm", ông Hùng cho rằng các thông tin về nhân thân, nghề nghiệp của bị can này chưa được công bố đầy đủ vì vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể kết luận điều gì. Nhưng ông Hùng cho rằng để bị khởi tố về tội danh nêu trên, thì chủ thể phải là người có một chức vụ nào đó.

Nguyên thẩm phán TAND Tối cao phân tích thêm lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra. Nếu không sử dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì không thực hiện được hành vi để đạt được mục đích của mình.

"Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi gây thiệt hại đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách dễ dàng"- ông Phạm Công Hùng phân tích.

Trước đó, tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2017 của Bộ Công an vào ngày 15-1, trả lời câu hỏi của báo chí về việc mạng xã hội lan truyền tấm thẻ cho thấy Vũ "nhôm" là một "sĩ quan an ninh", Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an), cho biết tất cả vấn đề liên quan, kể cả tấm thẻ của Vũ "nhôm" lan truyền trên mạng xã hội đang nằm trong quá trình điều tra vụ án, tới đây khi có kết quả sẽ có thông tin cụ thể.

Ngày 21-12-2017, Bộ Công an đã tiến hành khám xét nhà Vũ "nhôm" tại TP Đà Nẵng. Buổi khám xét kéo dài đến 21 giờ cùng ngày và cơ quan công an đã thu giữ nhiều tài liệu.

Ngày 22-12-2017, Bộ Công an phối hợp với Công an Đà Nẵng công bố Quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ.

Cùng ngày, Bộ Công an cũng công bố truy nã ông Vũ sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú, không biết bị can đang ở đâu.

Đến chiều 4-1-2018, sau khi ông Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về đến Việt Nam, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và điều tra theo quy định của pháp luật.

Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm") sinh năm 1975, là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và là cổ đông của nhiều công ty khác. Theo thống kê của Sở Xây dựng Đà Nẵng, Bắc Nam 79 chính là công ty mua nhiều nhà công sản hóa giá nhất ở Đà Nẵng trong thời gian qua.

Tác giả: Tấn Phong

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP