Chị An Bình (Hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Sông Hàn) nói rằng, chị rất yêu quý loài khỉ và hay ghi lại hình ảnh của chúng. Gần đây, chị để ý thấy nhiều con bị thương. Mỗi lần bắt gặp những chú khỉ này, chị cùng bạn bè thường báo cho lực lượng kiểm lâm để phối hợp đưa vào viện thú y chữa trị. Chị nói rằng, khi tiếp cận, mới biết phần lớn vết thương của khỉ đều do con người gây ra. “Có con bị dính bẫy, chúng tôi phải đưa vào viện cắt bỏ hoàn toàn phần xương bị nát. Có con trước kia được người dân nuôi sau đó đem lên núi thả. Nhưng khi thả họ chẳng buồn tháo bỉm ra, quá lâu ngày khiến phần quanh hậu môn bị lở loét trông rất tội nghiệp”, chị Bình kể.
Khỉ bị rách toạc vùng bụng. Ảnh: An Bình |
Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho hay, khỉ thường gặp tai nạn khi di chuyển qua lại những con đường trên bán đảo Sơn Trà. Có con bị gãy chân lòi xương ra ngoài được người dân phát hiện ngay bên đường. Kiểm lâm cũng từng ghi nhận nhiều con bị xe tông chết, nhất là trên đoạn đường từ Hồ Xanh lên các khu nghỉ dưỡng.
Tại khu vực chùa Linh Ứng, hầu như khỉ có mặt suốt ngày, nhất là thời điểm đông du khách ở bãi đỗ xe. Khỉ dạn dĩ ngồi trên xe, nhận thức ăn từ khách. Nhiều người cho khỉ nhiều đồ ăn, từ trái cây đến bánh kẹo.
Bà Lê Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, lưu ý, dù không trực tiếp làm khỉ bị thương nhưng hành động này tác động tiêu cực đến khỉ. “Việc cho khỉ ăn tạo nên những tính xấu như tranh giành, nhảy vào du khách để cướp đồ ăn, cào cấu người, khiến chúng quên mất tập tính tự kiếm ăn ngoài tự nhiên”, bà Trang phân tích.
Theo BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đơn vị này đã đẩy mạnh việc tuyên truyền cách ứng xử với động vật hoang dã trên núi, trong đó chú trọng việc khuyến cáo tất cả đơn vị lữ hành không nên tiếp xúc với động vật ở đây. Đồng thời kiểm soát việc xả rác từ du khách tham quan trên bán đảo.
Tác giả: THANH TRẦN
Nguồn tin: Báo Tiền phong